Trung tâm ECODE chịu trách nhiệm xây dựng các Gói thông tin rủi ro cho 7 tỉnh ven biển của dự án (Nam Định, Thanh Hoá, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Cà Mau) và hoạt động này nhằm hỗ trợ các nhà quản lý, chính quyền và chuyên gia các tỉnh có thể sử dụng thông tin rủi ro khí hậu cho việc lập kế hoạch, ra quyết định có lồng ghép, tích hợp yếu tố BĐKH, RRTT trong phát triển kinh tế, xã hội và quản lý môi trường ở địa phương.
Trong chuyến công tác thực địa phục vụ khảo sát, đánh giá hiện trạng và nhu cầu sử dụng thông tin rủi ro tại 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Nam, nhóm cán bộ của ECODE đã tiến hành các cuộc họp tham vấn chính quyền và cộng đồng, thảo luận nhóm mục tiêu, phỏng vấn người dân, khảo sát theo bảng hỏi (cho 7 tỉnh) và khảo sát lát cắt các khu vực, lĩnh vực, đối tượng dễ bị tổn thương – cũng chính là đối tượng hưởng lợi và tham gia vào dự án GCF-UNDP. Nhiều cán bộ quản lý, cán bộ lập kế hoạch và truyền thông ở cấp xã, huyện và tỉnh đã tham gia vào các hoạt động đánh giá này, đặc biệt tại các xã và huyện ven biển như thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình và huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Một số nội dung quan trọng đã được các bên liên quan thảo luận sôi nổi là hiện trạng tiếp cận, hiệu quả sử dụng và nhu cầu sử dụng trong tương lai về các thông tin rủi ro thiên tai, khí hậu của các cơ quan tại địa phương cũng như tình hình lồng ghép yếu tố thiên tai, BĐKH vào quá trình lập kế hoạch phát triển; hiệu quả của công tác truyền thông về BĐKH, sự phối hợp của các bên và vai trò, hiệu quả hỗ trợ của dự án GCF qua các hợp phần quan trọng là Rừng ngập mặn và Nhà an toàn; Sự tham gia, vai trò làm chủ của người dân và cách tiếp cận thích ứng dựa vào cộng đồng của dự án. Khảo sát cho thấy có nhiều thuận lợi cũng như không ít khó khăn trong việc tiếp cận, sử dụng và lồng ghép thông tin rủi ro khí hậu vào lập kế hoạch phát triển KT-XH và phát triển ngành, đồng thời việc xây dựng và chia sẻ rộng rãi kho dữ liệu về rủi ro khí hậu cho các địa phương là vô cùng cần thiết. Theo đó, như một trong những kết quả khảo sát cho biết, kho thông tin rủi ro khí hậu cần được thiết kế, xây dựng một cách hệ thống, đơn giản, dễ hiểu, dễ sử dụng và chú trọng hình ảnh hoá.
Từ những kết quả khảo sát đánh giá này và các kết quả đạt được cho đến nay của dự án GCF-UNDP, nhóm chuyên gia của ECODE đang khẩn trương xây dựng các Gói Thông tin rủi ro cũng như thực hiện các cuộc họp tham vấn, góp ý cho các sản phẩm dự thảo.
Dự án GCF-UNDP: Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do GCF – Quỹ Khí hậu xanh tài trợ (gọi tắt là dự án GCF) được triển khai bởi sự hợp tác giữa UNDP và chính phủ Việt Nam trong giai đoạn 2017-2021. Ba hợp phần chính của dự án áp dụng cho 7 tỉnh ven biển là: 1) Trồng rừng ngập mặn; 2) Hỗ trợ xây nhà chống chịu bão lụt (Nhà an toàn); 3) Quản lý thông tin dữ liệu rủi ro thiên ta. Có 520 xã ở các huyện ven biển được tham gia hưởng lợi thuộc các hợp phần khác nhau. Đến cuối năm 2019, toàn Dự án đã xây dựng được 2.354 ngôi nhà an toàn ở 214 xã thuộc 05 tỉnh (mục tiêu của DA là 4.000 ngôi nhà); trồng mới và phục hồi được 1.363,8 ha rừng ngập mặn (mục tiêu toàn DA là 4.000ha).
Một số hình ảnh từ chuyến thực địa tháng 1/2020 tại vùng ven biển 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Nam:
Họp tham vấn cấp huyện, xã và BQL dự án
Khảo sát, phỏng vấn cộng đồng tại các khu vực rủi ro cao do sạt lở và ngập lụt
Thăm các hộ nghèo được dự án hỗ trợ xây dựng nhà chống lũ ((Nhà an toàn)