Nhằm khảo sát, đánh giá về công tác quản lý, điều phối liên ngành và các mô hình sản xuất phục vụ xây dựng Khung quản lý và mô hình sản xuất bền vững tại Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) Tây Nghệ An, từ ngày 4-7/7, nhóm chuyên gia Trung tâm Phát triển Cộng đồng Sinh thái (ECODE) đã có chuyến khảo sát tiếp theo tại một số huyện Miền Tây Nghệ An. Hoạt động này thuộc khuôn khổ Đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và Đề xuất khung hướng dẫn quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam”.
Nhóm nghiên cứu ECODE đã có cơ hội gặp gỡ, trao đổi và tìm hiểu, tham vấn với Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An và Vườn Quốc gia Pù Mát – vùng lõi 1 của về công tác quản lý, điều phối liên ngành tại khu DTSQ. Các nội dung chính được thảo luận sôi nổi là vấn đề cơ sở pháp lý và bối cảnh đặc thù của mỗi địa phương cho vận hành, điều phối, quản lý bền vững mô hình Khu DTSQ, đặc biệt là trường hợp của Miền Tây Nghệ An – khu DTSQ có diện tích lên tới hơn 1,3 triệu ha – lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Các đại diện của BQL khu DTSQ đã chia sẻ và phân tích những điểm mạnh của địa phương cũng như các khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, điều phối sự tham gia liên ngành của chính quyền, cộng đồng và doanh nghiệp địa phương. Các vấn đề được đề cập cần được trao đổi sâu sắc hơn tại các diễn đàn, hội thảo khoa học sắp tới để đóng góp cho xây dựng Khung mô hình quản lý các khu dự trữ sinh quyển khác tại Việt Nam.
Bên cạnh vấn đề về mô hình quản lý, nhóm các chuyên gia cũng có các buổi làm việc về các mô hình sản xuất theo hướng xanh với các cán bộ phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Con Cuông và huyện Tương Dương và người dân – các địa phương gắn với vùng lõi và vùng đệm trong Khu dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An. Sản xuất xanh hay sinh kế xanh của cộng đồng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu đang làm xu hướng tất yếu ở các Khu DTSQ trên thế giới và nước ta, đóng góp tích cực cho triển bền vững các địa phương. Các trao đổi, bàn luận cùng đơn vị quản lý địa phương giúp cho đoàn công tác rõ hơn về các nguồn lực / vốn cho phát triển các mô hình sản xuất xanh, bao gồm cả cơ chế chính sách và công tác truyền thông, thuận lợi và khó khăn, thách thức cũng như sự tham gia của các bên liên quan trong đó có doanh nghiệp. Thực tế khảo sát cho thấy, các mô hình sinh kế của cộng đồng hiện nay đã ít nhiều hướng tới các mục tiêu gia tăng giá trị kinh tế bền vững gắn với tiêu chí “sinh thái” và danh hiệu “Khu DTSQ thế giới”. Tuy nhiên hiện còn rất nhiều khó khăn, ít nhất là về nhận thức của người dân và cán bộ, doanh nghiệp địa phương về khái niệm “Khu DTSQ” cũng như các lợi ích vật chất và phi vật chất mà nó mang lại. Nhóm nghiên cứu đã trực tiếp tham quan và trao đổi về các mô hình sản xuất dược liệu của cộng đồng tại tại huyện Tương Dương, đã làm việc với Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát và mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại khu vực xã Yên Hòa.
Các kết quả thực tiễn, cập nhật thu thập được từ chuyến khảo sát, đánh giá thực tế ở các địa phương tại miền Tây Nghệ An là những đầu vào quan trọng giúp Trung tâm ECODE tiếp tục xây dựng và hoàn thành các nội dung nghiên cứu chuyên sâu của Đề tài và đóng góp vào xây dựng Khung quản lý Khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam.
Bài và ảnh: Đặng Hoàng Hà