Những nguồn gây ô nhiễm biển
Chúng ta đã và đang chứng kiến những thay đổi quan trọng của môi trường biển dưới sự tác động của cả tự nhiên và con người. Đó là các tác động của biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương với các biểu hiện cực đoan như gia tăng bão biển, lũ lụt ven biển, nước biển dâng, axit hóa nước biển, ô nhiễm và các sự cố môi trường… xảy ra dầy hơn, khốc liệt hơn và bất quy luật.
Tiến sĩ Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhận định, dải ven biển hay đới bờ nói chung trên thế giới cũng như tại Việt Nam có nhiều nguồn tiềm ẩn gây ô nhiễm. Hầu hết những chất gây ô nhiễm đều từ đất liền đổ ra sông và theo dòng sông đổ ra biển.
Trồng rừng ngập mặn là một trong những biện pháp bảo vệ hệ sinh thái vùng bờ hiệu quả
Nước ta có tới trên 100 con sông, trong đó hơn 10 con sông đang ở mức độ ô nhiễm nặng, điển hình như sông Cầu, sông Đáy, sông Thị Vải… Báo cáo hiện trạng môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hàng năm các con sông thải ra biển 880 km3 nước và 270-300 triệu tấn phù sa, kéo theo nhiều chất có thể gây ô nhiễm biển như các chất hữu cơ, dinh dưỡng, kim loại nặng và nhiều chất độc hại từ các khu dân cư tập trung, các khu công nghiệp và đô thị, các khu nuôi trồng thủy sản ven biển và các vùng sản xuất nông nghiệp. Những loại rác không phân hủy được trôi nổi ven biển, lắng xuống đáy biển, rác phân hủy được sẽ hòa tan và lan truyền trong nước biển. Ngoài ra các khu du lịch phát triển nhanh nhưng thiếu quy hoạch, thiếu hệ thống xử lý nước thải, chất thải…cộng với ô nhiễm từ nuôi trồng thủy sản một cách bừa bãi, nạn khai thác khoáng sản ồ ạt đã và đang tác động xấu đến môi trường biển.
Môi trường sinh thái biển Việt Nam tiếp tục suy giảm, tính đa dạng sinh học nhất là vùng ven bờ ngày càng bị đe dọa. Rừng ngập mặn bị tàn phá nghiêm trọng. 90% rạn san hô bị đe dọa hủy hoại. Khoảng 85 loài hải sản trong tình trạng nguy cấp ở nhiều mức độ khác nhau, trong đó 70 loài đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam.
Những năm gần đây tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa đã xảy ra hiện tượng thủy triều đỏ gây thiệt hại lớn cho ngành nuôi trồng thủy sản. Chưa kể ô nhiễm không khí cũng có tác động mạnh mẽ tới môi trường sinh thái biển, bởi nồng độ khí cacbonnic trong không khí gia tăng sẽ làm lượng cácbonnic trong nước biển tăng, dẫn đến thay đổi môi trường sống của các loài thực vật biển…
Bắt đầu từ những việc làm nhỏ
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Cư, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Để khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, phát triển bền vững đất nước, trước hết phải hoàn thiện khung thể chế quản lý biển. Và một trong những phương thức hiệu quả nhất bảo vệ môi trường sinh thái biển là xây dựng các khu bảo tồn biển. Nhưng để thiết lập và phát triển bền vững các khu bảo tồn vẫn là bài toán nan giải. Vì vậy, việc bảo vệ môi trường biển là vấn đề cấp bách cần được chú trọng hiện nay.
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm biển có nguồn gốc từ biển và từ đất liền, phải ngăn chặn được tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng tại các điểm, khu vực, vùng bị ô nhiễm; đồng thời chú trọng công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm đối với các hoạt động du lịch, hàng hải, khai thác dầu khí, khoáng sản, thủy sản… tại các tỉnh, thành phố có biển.
Người dân Đồ Sơn, Hải Phòng thu dọn rác thải trên bãi biển mỗi khi thủy triều lên
Thời gian qua, tại một số địa phương, việc bảo vệ môi trường biển được coi như một trong các ưu tiên hàng đầu với sự vào cuộc rốt ráo của các cơ quan chức năng. Một số điển hình đã xuất hiện, cần khuyến khích và nhân rộng như: nuôi trồng thủy sản đa canh kết hợp với bảo vệ rừng ngập mặn tại Bến Tre, Trà Vinh; áp dụng chi trả dịch vụ môi trường tại các tỉnh duyên hải miền Trung, sử dụng đèn led trong đánh bắt thủy sản ở Ninh Thuận, lặn thân thiện với môi trường ở Nha Trang, mô hình đồng quản lý nuôi sò ở Bình Thuận… Đặc biệt là chiến dịch làm sạch biển Vũng Tàu của chính quyền tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tại đây, bên cạnh việc ban hành nghị quyết quán triệt tới các cấp, các ngành, lãnh đạo địa phương đã trực tiếp đến tận bãi tắm để thuyết phục vận động du khách không ăn nhậu, không xả rác. Các động thái mềm mỏng nhưng kiên quyết, có tính cầu thị này đã nhận được sự đồng tình của các du khách. Thế nên, vào dịp nghỉ lễ, bãi biển Vũng Tàu tập trung rất đông du khách song bãi tắm hầu như không xuất hiện rác.
Bảo vệ biển là bảo vệ môi trường sống trong hiện tại và cả tương lai. Do đó giữ gìn môi trường biển cần sự vào cuộc tích cực, chủ động của chính quyền địa phương, của mọi tổ chức, cá nhân. Khi nào mỗi cá nhân không chỉ giới hạn sự sạch sẽ trong phạm vi gia đình, mà còn cả ở môi trường công cộng, xác định được trách nhiệm trước các vấn đề cần giải quyết của xã hội, thì khi đó nền tảng phát triển xã hội mới thật sự bền vững.