Nổi bật trong số đó là đề xuất “Nâng cấp và chuyển giao công nghệ ươm nuôi cấy mô cây lâm nghiệp” của ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Nghi Lộc tại xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An. Ưu tiên áp dụng những ý tưởng “xanh, hiện đại, bền vững”, đề xuất công nghệ của BQL RPH đã hướng tới phát triển lâm nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa. Các mục tiêu trên được thể hiện qua đề xuất thay thế bầu đất thông thường bằng các bầu tự hủy, được làm từ vải tự phân hủy, keo, ….
Từ trước tới nay, nhiệm vụ chính của ban quản lý rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc là quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, vận hành các dự án phát triển lâm nghiệp trên địa bàn huyện Nghi Lộc và tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hai loại chính: một là sản xuất cây giống; thứ hai là trồng, bảo vệ, chăm sóc và khai thác rừng. Mỗi năm, đơn vị này cung cấp 30.000 cây giống. Trong năm 2020, 10,23 hecta rừng được trồng mới; 80,72 hecta rừng được chăm sóc; 252 tấn nhựa thông đã được khai thác và thu mua.
Trước sự quan tâm của chính quyền địa phương về việc phát triển kinh tế rừng, với vai trò là đơn vị cung cấp giống cây cho toàn huyện và các huyện lân cận, Ban quản lý Rừng phòng hộ nhận thấy vườn ươm chưa đáp ứng được nhu cầu của địa phương về cả số lượng và chất lượng. Phương thức sản xuất thủ công, cơ sở hạ tầng xuống cấp nên chất lượng của cây trồng, lợi ích kinh tế chưa được đảm bảo.
Vì vậy, khi đề xuất được duyệt, việc áp dụng phương pháp nuôi cấy mô sẽ đem lại các ưu điểm vượt trội như: tỷ lệ sống cao, thân cây to khỏe, sinh trưởng nhanh, phù hợp với nhiều loại đất, năng suất cao hơn,… Chuyển giao công nghệ nuôi cấy mô sẽ giúp tạo được số lượng lớn cây giống tương đồng kích thước và đều có những tính trạng vượt trội. Ngoài ra, quá trình nuôi cấy mô sẽ xử lý sạch những cây bị nhiễm vi rút hoặc những tác nhân truyền nhiễm khác và nhân giống nhanh những cây này để làm nguồn nguyên liệu sạch phục vụ nông nghiệp.
Bên cạnh đó, trong đề xuất này, bầu đất được bọc bằng nilon sẽ được thay thế bằng bầu đất có bọc tự hủy. Việc thay đổi này giúp các công nhân trồng rừng có thể bỏ qua bước đảo bầu (thay, gỡ bọc nilon sau một thời gian). Loại túi bọc bầu đất tự phân hủy giúp cây ổn định trong thời gian đầu, ngăn chặn sâu bệnh, vi sinh vật gây hại làm thối rễ cây. Khi cây đã cứng, túi nhựa sẽ phân hủy thành dạng bột, có thêm dưỡng chất trong túi làm phân bón và giúp rễ non vẫn phát triển tốt hơn.
Đây cũng chính là giải pháp xây dựng vườn ươm giống cây lâm nghiệp chất lượng cao, đem đến nhiều ảnh hưởng tích cực, bền vững cho môi trường.