Skip to content
anh-han

Hạn mặn sông Mekong: Thảm họa được báo trước

Việc xây dựng các đập thủy điện gây ra hạn mặn sông Mekong và hàng loạt hệ lụy cho 60 triệu dân sống dưới vùng hạ lưu, đẩy nhiều loài động vật quý hiếm tới bờ vực tuyệt chủng.

Những tháng vừa qua, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đang đẩy khoảng 1,5 triệu nông dân Việt Nam, những người sống ở khu vực hạ nguồn sông Mekong, vào tình trạng trắng tay. Hiện tượng thời tiết cực đoan ít mưa kết hợp với việc trữ nước trong các đập thủy điện trên thượng nguồn khiến lượng nước sông Mekong đổ về hạ nguồn suy giảm đột ngột.

Đồng bằng sông Cửu Long, nơi người dân từng phải tìm cách sống chung với lũ, đang loay hoay vì hạn hán và xâm nhập mặn. Nhiều chuyên gia nhận định, quá khứ sẽ không bao giờ trở lại và người dân ở hạ nguồn sông Mekong cần tìm cách thích nghi với tình hình mới, khi hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra thường xuyên hơn.

Mối nguy hại từ thủy điện

Trong bài viết tháng 5/2015, báo Guardian của Anh đề cập tới 11 đập thủy điện được lên kế hoạch xây dựng trên dòng sông Mekong. Một trong số chúng là thủy điện Xayaburi, trị giá 3,5 tỷ USD ở vùng bắc Lào. Đây là con đập đầu tiên được xây dựng trên khu vực được phân chia là hạ nguồn sông Mekong. Tại miền Nam Lào, người ta cũng lên kế hoạch xây đập Don Sahong trị giá 300 triệu USD dù dòng chảy ở đây tương đối hiền hòa.

Việc xây dựng và lên kế hoạch xây dựng hàng chục con đập trên dòng Mekong mang lại một số lợi ích cho quốc gia sở hữu nhưng lại gây ra vô vàn hệ lụy cho khoảng 60 triệu người sống phía dưới hạ lưu. Trong khi đó, việc phối hợp kém bài bản giữa các quốc gia cùng chung dòng sông Mekong tiếp tục đẩy tình trạng khu vực trở nên bi đát.

Đập thủy điện Xayaburi và đập Sahong dự kiến cung cấp lượng điện lớn cho Thái Lan và mang lại cho Lào nguồn thu tương xứng. Tuy nhiên, hai đập này được coi là thảm họa trên dòng Mekong, tác động trực tiếp tới an ninh lương thực của khu vực. Trên thực tế, những vựa lúa nằm ở lưu vực sông Mekong cung cấp lượng lớn gạo xuất khẩu trong khi thủy sản nước ngọt đánh bắt trên dòng sông sông này chiếm 1/4 tổng sản lượng của cả thế giới.

Theo các nhà khoa học, đập Don Sahong được xem là sự hủy hoại nghiêm trọng nhất. Nó sẽ chặn đường của các đàn cá di trú theo mùa, đẩy những loài quý hiếm tới bờ vực tuyệt chủng và làm suy giảm lượng nước vốn đã ngày càng khan hiếm trên dòng Mekong. Những đập nước ở Lào và Trung Quốc tác động trực tiếp tới khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, làm tổn hại vựa lúa của quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới.

Dù tác hại về việc xây đập trên dòng Mekong đã được chỉ rõ nhưng Ủy ban sông Mekong (Mekong River Commission), với 4 thành viên là Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam, không thể tìm được tiếng nói chung trong việc ngừng xây dựng các công trình thủy điện. Các nước hạ nguồn kêu gọi đánh giá minh bạch, độc lập về tác động của những công trình thủy điện tới môi trường và xã hội. Tuy nhiên, nhà chức trách Lào phớt lờ lời kêu gọi hoãn xây dựng đập thủy điện trên dòng chảy chính của sông Mekong.

Những gì xảy ra trên sông Mekong không chỉ tác động tới khu vực mà còn có ý nghĩa toàn cầu. Dòng sông tạo ra những đồng bằng trù phú, cung cấp lượng cá nước ngọt dồi dào cũng như đóng vai trò điều hòa khí hậu thế giới. Dòng sông còn mang tính biểu tượng và ý nghĩa văn hóa đối với các quốc gia nó chảy qua. Việc đề cao giá trị năng lượng trên dòng Mekong có thể làm tổn hại nhiều lĩnh vực khác mà con người cần nghiêm túc đánh giá.

Bài học từ dòng sông Danube

Chảy qua 19 quốc gia, Danube là con sông mang tầm quốc tế lớn nhất thế giới. Nó cũng là dòng sông dài thứ 2 châu Âu sau sông Volga. Giống với sông Mekong, Danube đóng vai trò quan trọng với cuộc sống của 83 triệu người cũng như là nơi sinh tồn của hệ động thực vật phong phú, với những loài nằm trong danh mục bảo tồn.

Sông Danube chảy qua lãnh thổ 19 nước châu Âu. Ảnh:Freewheelcruises.com
Sông Danube chảy qua lãnh thổ 19 nước châu Âu. Ảnh:Freewheelcruises.com

Tuy nhiên, trong hơn 150 năm qua, Danube bị con người tàn phá và hủy hoại. Hàng loạt đê, đập mọc lên trên dòng chảy chính của sông. Việc nạo vét, nắn dòng cũng diễn ra tràn lan. Hậu quả là hơn 80% vùng đất ngập nước của sông Danube biến mất, kéo theo sự phong phú của các loài cá và những loài phụ thuộc vào cá.

Những thay đổi về địa chính trị từ 2 thập kỷ trước ở châu Âu đã tạo ra một kỷ nguyên mới cho dòng Danube. 19 quốc gia mà dòng sông chảy qua đã cùng nhau thành lập Ủy ban Quốc tế Bảo vệ sông Danube. Người ta đưa ra các quy định nghiêm ngặt về xử lý nước thải trước khi đổ ra sông. Các nước phải đầu tư nhiều tiền của hơn vào hệ thống này nhằm đảm bảo nguồn nước không bị ô nhiễm. Các quốc gia mới trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU) phải đặc biệt tuân thủ quy định này.

Các nước cùng coi trọng yếu tố môi trường và bảo tồn hệ sinh thái giúp nhiều vùng đất ngập nước của sông Danube dần hồi sinh. Nó mang lại lợi ích đáng kể không chỉ cho các loài thủy sinh vật mà còn giúp con người phát triển kinh tế thông qua du lịch và giải trí bền vững. Năm 2006, Quỹ bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) cũng xác nhận việc hồi sinh của các vùng đất ngập nước giúp ngăn chặn đáng kể lũ lụt trên dòng Danube.

Hơn hai mươi năm phục hồi giúp Danube hồi sinh sau nhiều thập kỷ bị lạm dụng. Hiện tại, phần lớn sông Danube đều đáp ứng đủ tiêu chuẩn để có thể bơi lội mà không gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Những điểm nóng ô nhiễm cũng được giải quyết. Tuy nhiên, việc để dòng chảy của Danube được thông suốt vẫn là bài toán khó cho châu Âu.

Thời Trung cổ, những con cá tầm Beluga khổng lồ với kích thước bằng một chiếc xe buýt nhỏ thường xuyên bơi ngược dòng Danube tới khu vực xa xôi của nước Đức. Tuy nhiên, gần 60 đập mọc lên dọc dòng chảy chính chặn đứng đường di cư của các loài cá. WWF đang làm việc với Ủy ban Quốc tế về Bảo vệ sông Danube và chính phủ các nước có liên quan nhằm khai thông dòng chảy.

Ngoài ra, Danube còn là tuyến đường thủy huyết mạch của châu Âu. Việc kết hợp giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường vẫn là bài toán khó mà Ủy ban Quốc tế về Bảo vệ sông Danube cần giải quyết. Tuy nhiên, mỗi công trình nhằm mục đích kinh tế trên con sông đều phải trải qua việc đánh giá toàn diện những tác động với môi trường. Nguồn lợi kinh tế không phải tất cả trên dòng Danube.

Tác giả bài viết: Hồng Duy

Similar posts

Ra mắt Mạng lưới đối tác khí nhà kính Việt Nam
Việc xây dựng các đập thủy điện gây ra hạn mặn sông Mekong và hàng loạt hệ lụy cho 60 triệu dân sống dưới vùng hạ lưu, đẩy nhiều loài động vật quý hiếm tới bờ vực tuyệt chủng.
Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về giảm phát thải, thị trường các-bon
Việc xây dựng các đập thủy điện gây ra hạn mặn sông Mekong và hàng loạt hệ lụy cho 60 triệu dân sống dưới vùng hạ lưu, đẩy nhiều loài động vật quý hiếm tới bờ vực tuyệt chủng.
“Đo ni đóng giầy” dấu chân carbon, rảo bước tiến vào sân chơi lớn
Việc xây dựng các đập thủy điện gây ra hạn mặn sông Mekong và hàng loạt hệ lụy cho 60 triệu dân sống dưới vùng hạ lưu, đẩy nhiều loài động vật quý hiếm tới bờ vực tuyệt chủng.
Xây dựng Khung hướng dẫn quản lý chung cho các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam
Việc xây dựng các đập thủy điện gây ra hạn mặn sông Mekong và hàng loạt hệ lụy cho 60 triệu dân sống dưới vùng hạ lưu, đẩy nhiều loài động vật quý hiếm tới bờ vực tuyệt chủng.
Cán bộ các khu dự trữ sinh quyển khu vực phía Nam được tập huấn về đa dạng sinh học và lâm sản ngoài gỗ
Việc xây dựng các đập thủy điện gây ra hạn mặn sông Mekong và hàng loạt hệ lụy cho 60 triệu dân sống dưới vùng hạ lưu, đẩy nhiều loài động vật quý hiếm tới bờ vực tuyệt chủng.
Thêm một khoá tập huấn về bảo tồn đa dạng sinh học và khai thác bền vững lâm sản ngoài gỗ cho các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam
Việc xây dựng các đập thủy điện gây ra hạn mặn sông Mekong và hàng loạt hệ lụy cho 60 triệu dân sống dưới vùng hạ lưu, đẩy nhiều loài động vật quý hiếm tới bờ vực tuyệt chủng.

© 2022 TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN CỘNG ĐỒNG SINH THÁI