Nằm ở phía tây nam của thành phố Karachi (Pakistan), hòn đảo nhỏ Manora mỗi năm thu hút khoảng 150.000 du khách. Những mảng rừng ngập mặn trên các bờ phía đông bắc của Manora không chỉ mang lại vẻ đẹp thẩm mỹ của hòn đảo mà còn là nơi sinh sống của tôm, cá…tạo nguồn sinh kế cho ngư dân.
Thế nhưng, Manora phải đối mặt với sự khan hiếm nước ngọt, và phụ thuộc lớn vào tàu chở dầu để cung cấp nước. Hiện nay, hòn đảo đã bị ô nhiễm nghiêm trọng do các chất gây ô nhiễm như các mảnh vụn tràn, dầu, nước thải, giấy và nhựa…Ô nhiễm ở khu vực bến cảng cũng có tác động bất lợi đến đời sống biển và làm giảm tuổi thọ của tàu hải quân, tàu thuyền và các cơ sở hạ tầng khác do sự ăn mòn gia tăng.
Phó Đô đốc Syed Arifullah Hussaini, hiện đang giữ chức Tư lệnh Hạm đội Hải quân Pakistan cho biết: “Chúng tôi cần tư vấn kỹ thuật và hỗ trợ tài chính của IUCN để giải quyết các vấn đề môi trường ven biển như ô nhiễm ở khu vực bến cảng Karachi. Với sự hỗ trợ của sáng kiến Rừng ngập mặn cho Tương lai (MFF) chúng tôi đã áp dụng một mô hình xử lý nước thải bền vững và thiết lập một vùng đất ngập nước nhân tạo”.
Vùng đất ngập nước được xây dựng nhân tạo là công nghệ được thiết kế để sử dụng nguyên liệu và quy trình tự nhiên. Hệ thống này liên quan đến một loạt các bộ lọc sỏi được trồng bằng sậy để xử lý nước thải. Hệ thống này tiết kiệm chi phí vì nó ít sử dụng năng lượng hơn các kỹ thuật xử lý nước thải truyền thống.
Thông qua hệ thống này, Hải quân Pakistan hiện nay có thể xử lý 30.000 gallon nước thải, sau đó tái sử dụng nước cho 3 lĩnh vực thể dục thể thao của hải quân và tưới những cây dọc theo các bên lề đường.
Việc tái sử dụng nước thải giúp tiết kiệm được hàng triệu gallon nước ngọt và không phải dựa vào nước vận chuyển bằng tàu chở dầu đến; nhờ đó, mỗi năm tiết kiệm được khoảng 6,9 triệu PKR (65,5 nghìn USD).
Với việc tái sử dụng nước thải, đảo Manora đã trở nên xanh hơn. Nhận thức về các giải pháp sáng tạo để kiểm soát ô nhiễm biển cũng tăng lên trong các đơn vị hải quân của Pakistan.
Nguồn: Báo Tài nguyên & Môi trường