Hoạt động nhằm rà soát, đánh giá sơ bộ nhu cầu thực tế, tính khả thi, sáng tạo của các đề xuất xin đầu tư phát triển kinh tế, sinh kế cũng như làm rõ vai trò, sự tham gia của các bên liên quan tại địa phương. Nhóm chuyên gia đã đến thăm quan, đánh giá từng đề xuất phát triển sinh kế – được coi là các sáng kiến nhằm tăng tính thích ứng, bền vững và chủ động của các hoạt động sản xuất, sinh kế do các nhóm cộng đồng đề xuất, dẫn dắt. Một số giải pháp thực sự cho thấy sự sáng tạo, quyết tâm của cộng đồng địa phương khi dám bứt phá khỏi lối canh tác truyền thống, manh mún, năng suất thấp và gây ô nhiễm môi trường để hướng tới mục tiêu kép: thích ứng với khí hậu, tăng giá trị sản phẩm và bảo vệ nguồn nước, đất, rừng ven biển. Tiêu biểu phải kể đến đề xuất xây dựng mô hình trồng trọt – chăn nuôi khép kín không rác thải của nhóm cộng đồng xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu hay giải pháp sản xuất phân bón hữu cơ từ phế phụ phẩm của cây ngô, cây lạc vùng đất ven biển – xã Diễn Trung, Diễn Bích, huyện Diễn Châu, hướng tới sản xuất lạc theo tiêu chuẩn VietGap. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên các nhóm cộng đồng ở địa phương trong đó gần 40% là phụ nữ được hỗ trợ, thúc đẩy để tiếp cận các cơ hội đầu tư cạnh tranh và viết thư quan tâm, đề xuất xin đầu tư cho các ý tưởng, sáng kiến phát triển sinh kế. Đây cũng là lần đầu tiên 38 xã thuộc 6 huyện thị ven biển của tỉnh Nghệ An được chủ động và tham gia rất tích cực để đạt được các tài trợ cạnh tranh này. Một trong những điều kiện tiên quyết theo yêu cầu của dự án FMCR là mỗi nhóm cộng đồng cần có tối thiểu 10 hộ tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển.
Chia thành các nhóm khảo sát nhỏ, tranh thủ tối đa thời gian trong điều kiện mưa sau bão và sự tạm lắng của dịch bệnh Covid, các chuyên gia của ECODE đã thực địa, đánh giá trực tiếp 15 đề xuất xin đầu tư của 15 nhóm cộng đồng tại 15 xã dự án. Được biết, đến tháng 10/2021, đơn vị tư vấn ECODE đã hỗ trợ BQL dự án FMCR tỉnh Nghệ An và các địa bàn dự án, các Tổ công tác cấp huyện, xã xác định, lựa chọn sơ bộ được 35 ý tưởng đề xuất và đang trong quá trình viết thư quan tâm. Hoạt động đánh giá, kiểm tra, sàng lọc vẫn còn tiếp tục này trong thời gian tới đây. Các nhóm phụ nữ trong cộng đồng được nhóm cán bộ ECODE đặc biệt chú ý hỗ trợ nâng cao nhận thức và kĩ năng xây dựng Thư bày tỏ quan tâm xin đầu tư. Theo bà Đinh Thị Hà Giang, thành viên chính của nhóm chuyên gia tư vấn ECODE, nâng cao năng lực và sự tự tin của phụ nữ cũng như các nhóm cộng đồng yếu thế luôn là một trong những ưu tiên trong các nghiên cứu và hoạt động dự án của ECODE.
Một số hình ảnh trong đợt khảo sát vừa qua tại Nghệ An
Hình ảnh: Đoàn chuyên gia khảo sát xưởng làm mắm của hộ gia đình tham gia đề xuất sinh kế xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu.
Ủ mắm là một ngành nghề truyền thống lâu đời tại địa phương. Việc dự án FMCR tạo cơ hội đầu tư phát triển (công nghệ, vật liệu, …) ủ mắm sẽ không chỉ giúp bảo tồn, phát triển nghề truyền thống của Quỳnh Lưu, hỗ trợ đưa sản phẩm vào danh mục OCOP mà còn đảm bảo việc làm, cải thiện đáng kể thu nhập của hàng chục hộ dân trong đó lao động nữ chiếm hơn 80%.
Hình ảnh: Đoàn chuyên gia tham vấn, thảo luận với các hộ dân tham gia mô hình sinh kế xã Quỳnh Thuận.
Hình ảnh: Tham quan cánh đồng trồng lạc Sen nổi tiếng ở xã Diễn Thịnh và Diễn Trung, huyện Diễn Châu
Với đề xuất Ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất Lạc theo tiêu chuẩn VietGap và hỗ trợ cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap, các xã Diễn Thịnh, Diễn Trung mong muốn xây dựng một chu trình khép kín trong sản xuất lạc với đa dạng sản phẩm lạc chất lượng cao đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, nước và thay đổi thói quen canh tác sử dụng phân hoá học của nông dân.