Tại Hội thảo, đại biểu được nghe báo cáo tham luận của các chuyên gia đến từ Trung tâm ECODE, Đại diện các cơ quan của tỉnh: Sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam. Hội thảo cũng đã nghe bài trình bày của ông Khusrav Sharifov đại diện Ban quản lý dự án trung ương UNDP về dự án GCF và các hoạt động của Hợp phần 3.
Ông Khusrav Sharifov, Cố vấn cao cấp của UNDP giới thiệu dự án GCF và các hoạt động của Hợp phần 3 | Ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam phát biểu khai mạc hội thảo |
Quảng Nam là địa phương hứng chịu nhiều thiên tai liên quan đến dòng chảy như hạn hán, lũ lụt, ngập lụt do nước biển dâng do bão với sự gia tăng về tần suất, phạm vi ảnh hưởng và mức độ nghiêm trọng. Các huyện ven biển ở có tính hứng chịu cao với nước biển dâng, bão, xâm nhập mặn và triều cường, điển hình các địa phương có nguy cơ rủi ro cao như Tp. Tam Kỳ, Tp. Hội An, huyện Thăng Bình, huyện Điện Bàn và Núi Thành. Lĩnh vực bị rủi ro cao: nông nghiệp, thuỷ sản, du lịch, công trình hạ tầng. Thống kê thiệt hại do thiên tai tại Quảng Nam giai đoạn 2010 – 2016 cho biết, đã có 111 người chết, 423 người bị thương, 94.000 nhà dân hư hỏng; tổng thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 4.200 tỷ đồng. Đặc biệt năm 2020, thiên tai cực đoan đã gây tổn thất rất lớn cho Quảng Nam, mưa lũ, sạt lở đã làm chết và mất tích hàng chục người.
Bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, bày tỏ quan điểm chỉ đạo của tỉnh về thích ứng với BĐKH hiện tại và tương lai là trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành, các doanh nghiệp và toàn thể cộng đồng. Các yếu tố BĐKH phải được tích hợp vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ở các cấp, các ngành, các địa phương, cả trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng như tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, các hoạt động thích ứng với BĐKH phải được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm; thích ứng với những tác động cấp bách trước mắt và những tác động tiềm tàng lâu dài; đầu tư cho thích ứng với BĐKH phải có hiệu quả về kinh tế, xã hội.
Đề cập đến những lợi ích của việc lồng ghép RRTT và BĐKH vào chiến lược, quy hoạch, GS. TSKH. Trương Quang Học, chuyên gia của Trung tâm ECODE, cho rằng việc lồng ghép một cách toàn diện sẽ tiết kiệm và tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực, đặc biệt về thời gian và kinh phí, gia tăng chất lượng của các dự án, các giải pháp thích ứng BĐKH do đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và gắn kết được các bên liên quan, liên lĩnh vực.
GS. TSKH. Trương Quang Học hướng dẫn về lồng ghép
Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc – UNDP và Trung tâm ECODE ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia cùng toàn thể đại biểu có mặt tại Hội thảo về lồng ghép vấn đề BĐKH vào quá trình xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch của từng ban ngành và địa phương. Hiện tỉnh Quảng Nam đang hoàn thiện việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
Các đại biểu đại diện Sở, ban ngành và huyện, xã cùng thảo luận tại Hội thảo
Trong dự án GCF – Chống chịu biến đổi khí hậu của UNDP, ECODE đã phối hợp tích cực với Quảng Nam trong một số hoạt động nghiên cứu, tập huấn và hội thảo. Gói Thông tin rủi ro khí hậu (Risk Packs) do ECODE xây dựng cho 7 tỉnh dự án trong đó có Quảng Nam sẽ thúc đẩy, tăng cường lồng ghép thông tin khí hậu vào quá trình lập kế hoạch phát triển địa phương trong khuôn khổ Dự án GCF.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm