Về chính sách thuế, theo Bộ Tài nguyên – môi trường (TN-MT), hiện mức thuế với túi nilông đã nâng từ 40.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thượng Hiền – vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải (Tổng cục Môi trường), các cơ sở sản xuất, tái chế túi nilông khó phân hủy đa số là các cơ sở nhỏ nên gây khó khăn cho việc thu thuế. Các cơ sở này vì vậy tiếp tục hạ thấp giá thành túi nilông.
Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, việc giảm thiểu chất thải từ nhựa, nilông đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này, trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và nilông khó phân hủy, đặc biệt các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Ông Hà khẳng định cuối năm 2018 Bộ TN-MT đã phát động phong trào “chống rác thải nhựa“.
Ông Nguyễn Thượng Hiền khẳng định sẽ nghiên cứu lộ trình hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi nilông khó phân hủy kể từ năm 2026 tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt.
“Chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng đề án về giảm thiểu rác thải nhựa nói chung, trong đó với các sản phẩm nhựa dùng một lần sẽ định hướng các giải pháp về quản lý đối với các nhà hàng, quán cà phê sử dụng sản phẩm nhựa một lần theo lộ trình từ hạn chế tiến tới chấm dứt việc sử dụng” – ông Hiền nói.
Thảm họa “ô nhiễm trắng”
Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho rằng thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa nói chung hiện nay rất kinh khủng, trong khi số lượng chất thải nhựa, sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilông ở VN hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt.
Hiện khó có được số liệu thống kê đầy đủ về lượng rác thải nhựa nhưng theo Bộ TN-MT, nếu mỗi hộ gia đình thường thải ra hơn 1 túi nilông/ngày, hàng triệu túi nilông được thải bỏ mỗi ngày tại VN.
Vì vậy, Bộ TN-MT cho rằng việc sử dụng sản phẩm nhựa một lần hiện nay thực sự là gánh nặng cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”.
Tác giả bài viết: Xuân Long (Báo Tuổi trẻ)