Skip to content
download

Tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực khí tượng thủy văn

Trên cơ sở kế thừa các thành quả hợp tác, căn cứ nhu cầu và năng lực đào tạo, bồi dưỡng giữa hai đơn vị, Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2020, Luật KTTV …, chúng tôi đề xuất một số giải pháp tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực KTTV, như sau:

 

Thực trạng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực khí tượng thủy văn   
Từ khi thành lập năm 1955 với tên gọi là Trường Sơ cấp khí tượng, nay là Trường Đại học TN&MT Hà Nội, Nhà Trường đã đào tạo được hàng nghìn học sinh, sinh viên KTTV, hải văn, trong đó rất nhiều người đã và đang phục vụ trong ngành KTTV góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của ngành.
Để phù hợp với từng giai đoạn lịch sử của đất nước cũng như quá trình phát triển của ngành KTTV, từ khi thành lập Trường đã qua nhiều lần đổi tên, từ Trường Sơ cấp khí tượng, giai đoạn từ 1955-1960; Trường Trung cấp khí tượng, giai đoạn từ 1961-1967; Trường Cán bộ khí tượng, giai đoạn từ 1967-1976; Trường Cán bộ KTTV, giai đoạn từ 1976-2001; Trường Cao đẳng KTTV Hà Nội, giai đoạn từ 2001-2005, từ 2005 đến tháng 7/2010 là Trường Cao đẳng TN&MT Hà Nội và từ tháng 8/2010 là Trường Đại học TN&MT Hà Nội.
Để có được nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ của đơn vị sử dụng lao động, trong suốt quá trình hình thành và phát triển, việc phối hợp, hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực KTTV giữa Nhà trường với Tổng cục KTTV trước đây và nay là Trung tâm KTTV quốc gia luôn có mối quan hệ mật thiết, chặt chẽ và hiệu quả trên nhiều phương diện, cụ thể như:
Công chức, viên chức của Tổng cục KTTV trước đây và nay là Trung tâm KTTV quốc gia đã tham gia giảng dạy để cập nhật những quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn công nghệ, phương pháp mới về công tác điều tra cơ bản, dự báo phục vụ, truyền dẫn thông tin KTTV.
Thường xuyên trao đổi thông tin về nhu cầu sử dụng nhân lực nói chung và nhân lực KTTV nói riêng của Trung tâm KTTV quốc gia với Trường để có cơ sở đào tạo nhân lực KTTV sát với nhu cầu thực tế.
Sử dụng các công trình nhà trạm, trang thiết bị công nghệ và cơ sở vật chất hiện có của Trung tâm KTTV quốc gia để giáo viên, học sinh, sinh viên của Trường đến nghiên cứu học tập, thực tập.
Hợp tác chặt chẽ trong nghiên cứu khoa học, xây dựng giáo trình, tài liệu đào tạo bồi dưỡng KTTV, góp phần nâng cao giáo trình đào tạo, bồi dưỡng, gắn chặt công tác đào tạo lý thuyết với ứng dụng thực hành.
Năng lực đào tạo nguồn nhân lực KTTV của Trường 
Trước đây, khi còn là Trường cán bộ KTTV, thế mạnh của Trường là đào tạo quan trắc viên có trình độ trung cấp kỹ thuật và kỹ sư thực hành KTTV. Hiện nay, nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực KTTV được Trường giao cho Khoa KTTV và Quản lý TNN thực hiện. Ngày 23/6/2014, tại Quyết định số 1188/QĐ-BTNMT của  Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Nhà trường, Khoa KTTV và Quản lý Tài nguyên nước (TNN) được tách thành hai khoa – Khoa KTTV và Khoa TNN, dưới đây là một số thông tin về đội ngũ nhân lực và năng lực đào đào tạo của khoa: 
Đội ngũ cán bộ, giảng viên của Khoa: Đội ngũ nguồn nhân lực cơ hữu của khoa KTTV hiện có 18 người, gồm: 01 Phó giáo  sư (PGS), 02 Tiến sĩ, 14 Thạc sĩ (trong đó có 5 nghiên cứu sinh – 2 NCS ở nước ngoài), 01 cử nhân. Ngoài ra, Khoa KTTV còn có đội ngũ cán bộ thỉnh giảng là những giáo sư, tiến sĩ đầu ngành của ngành KTTV Việt Nam tham gia giảng dạy và hợp tác nghiên cứu khoa học gồm 25 người, trong đó: 10 PGS, 12 Tiến sĩ, 3 Thạc sĩ.
Về các ngành đào tạo: Khí tượng, Khí tượng biển, Thuỷ văn: Đào tạo cử nhân đại học, cao đẳng và kĩ thuật viên trung cấp khí tượng, thủy văn có kiến thức chuyên môn và kĩ năng thực hành nghề cơ bản để đảm nhận được nhiệm vụ dự báo phục vụ khí tượng, thủy văn, quan trắc và chỉnh lí các loại số liệu khí tượng, thủy văn, có khả năng sửa chữa nhỏ và lắp đặt các loại máy khí tượng ở trạm khí tượng, thủy văn, có khả năng dự báo thời tiết, hiểu biết khí hậu để phục vụ địa phương trong công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai…; từ năm 2015, Nhà trường được giao nhiệm vụ đào tạo cao học KTTV.
Về thành tựu chủ yếu: Trong hơn nửa thế kỷ qua, Nhà Trường đã đào tạo được 40 khoá trung cấp với gần 8000 học sinh, 4 khoá cao đẳng với gần 300 sinh viên, 24 khoá chuyên tu đại học với hơn 1000 sinh viên và hàng nghìn học sinh sơ cấp KTTV. Từ khi được nâng cấp lên Đại học TN&MT (tháng 8/2010), Nhà trường đã đào tạo cấp bằng tốt nghiệp đối với 242 cử nhân KTTV  (103 Khí tượng, 139 Thủy văn) và hiện có 275 sinh viên và 56 học viên cao học đang theo học chuyên ngành KTTV.
Chương trình đào tạo luôn được đổi mới để phù hợp với nhu cầu xã hội và trình độ khoa học công nghệ. Các giáo trình, bài giảng luôn được cập nhật những thông tin, những kết quả nghiên cứu mới nhất để phục vụ hiệu quả cho công tác giảng dạy, nghiên cứu cũng như sát thực với nhu cầu của các đơn vị sử dụng nguồn nhân lực.   
Nhu cầu đào tạo bồi dưỡng của Trung tâm KTTV quốc gia  
Trung tâm KTTV quốc gia là tổ chức sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ TN&MT, thực hiện chức năng điều tra cơ bản, dự báo, thông tin tư liệu KTTV, quan trắc môi trường không khí và môi trường nước, quan trắc định vị sét, giám sát biến đổi khí hậu phục vụ phòng, chống thiên tai, phát    triển KT-XH, bảo đảm AN-QP trên phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện các dịch vụ công khác theo quy định của pháp luật. Trung tâm hiện có 22 đơn vị trực thuộc, 54 Đài KTTV tỉnh, hơn 500 trạm KTTV, gần 1.000 điểm đo mưa, đo mặn hoạt động trên khắp cả nước.
Nguồn nhân lực của Trung tâm KTTV quốc gia hiện có trên 3000 người, với nhiều chuyên ngành khác nhau, trong đó số lượng nhân lực được đào tạo về KTTV có số lượng lớn nhất, nhân lực có trình độ đại học trở lên, chiếm trên 40%, nhưng phân bố không đồng đều giữa các đơn vị ở khối trung ương và địa phương.
Theo quan điểm của Chiến lược phát triển Ngành KTTV đến năm 2020: “Phát triển Ngành KTTV đồng bộ theo hướng hiện đại hoá; lấy việc đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực làm giải pháp chủ yếu để phát triển trên cơ sở kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có; khai thác triệt để thành tựu khoa học, công nghệ trong nước, đồng thời ứng dụng chọn lọc những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới”; với mục tiêu tổng quát: “Đến năm 2020, Ngành KTTV Việt Nam đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á, có đủ năng lực điều tra cơ bản, dự báo KTTV, phục vụ yêu cầu phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”; với giải pháp phát triển nguồn nhân lực: “Xây dựng chính sách thu hút, đãi ngộ và sử dụng nguồn nhân lực trình độ cao. Nhà nước dành một lượng học bổng thỏa đáng để đào tạo nhân lực KTTV tại các nước có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến. Hoàn thiện quy hoạch và tăng cường năng lực các cơ sở đào tạo về KTTV theo hướng đa dạng hóa loại hình đào tạo gắn với đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ mới. Đổi mới nội dung đào tạo về sử dụng và khai thác thông tin KTTV và biến đổi khí hậu trong những ngành đào tạo có liên quan. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ KTTV, trong đó chú trọng đội ngũ cán bộ chuyên ngành đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng hiệu quả các thiết bị và công nghệ hiện đại”.
Cùng với đó, Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động KTTV tại Luật KTTV có quy định: Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực làm công tác KTTV….; phát triển khoa học và công nghệ về KTTV, giám sát biến đổi khí hậu… Với quan điểm, mục tiêu, giải pháp như trên, trong giai đoạn hiện nay cũng như những năm tới Trung tâm KTTV quốc gia sẽ chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đối với hai nhóm đối tượng:  Thứ nhất, đào tạo nâng cao (đại học và sau đại học) đội ngũ nguồn nhân lực hiện tại để chuẩn hóa theo yêu cầu của vị trí việc làm và đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức chuyên môn, công nghệ mới. Thứ hai, đào tạo mới nguồn nhân lực từ các cơ sở đào tạo để tuyển dụng thay thế cán bộ nghỉ hưu, chuyển công tác, thôi việc…  
Giải pháp tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực KTTV  
Trên cơ sở kế thừa các thành quả hợp tác, căn cứ nhu cầu và năng lực đào tạo, bồi dưỡng giữa hai đơn vị, Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2020, Luật KTTV …, chúng tôi đề xuất một số giải pháp tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực KTTV, như sau:
Thứ nhất, nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp, trao đổi thông tin thường xuyên về đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực KTTV giữa Trung tâm với Nhà trường nhằm đào tạo số lượng, cơ cấu, chất lượng học sinh, sinh viên KTTV sát với nhu cầu thực tế (cả về số lượng, chất lượng) của đơn vị sử dụng.
Thứ hai, trong các hội nghị, hội thảo, tập huấn về quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, công nghệ, thiết bị mới …; đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu xây dựng tài liệu đào tạo, bồi dưỡng KTTV cần có sự tham gia từ đầu của giảng viên, chuyên gia hai đơn vị để tăng cường giao lưu học hỏi, cũng như tận dụng các nguồn lực sẵn có của cả hai đơn vị phục vụ có hiệu quả công tác đào tạo cũng như gắn công tác đào tạo với nhu cầu của đơn vị sử dụng nguồn nhân lực, gắn đào tạo lý thuyết với thực hành…
Thứ ba, tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học và sau đại học thuộc lĩnh vực KTTV; Trung tâm KTTV quốc gia hỗ trợ giảng viên, kỹ thuật viên có đủ điều kiện giảng dạy các môn học thuộc các ngành học, bậc học do Trường đào tạo.
Thứ tư, Trung tâm KTTV quốc gia tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện thực tập tốt nghiệp cho các hệ đào tạo của Trường tại các đơn vị trực thuộc Trung tâm; cử cán bộ có đủ điều kiện hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp cho hệ đại học, hướng dẫn luận văn tốt nghiệp thạc sỹ cho hệ sau đại học cho các ngành và chuyên ngành thuộc lĩnh vực KTTV và biến đổi khí hậu.
Thứ năm, phối hợp cùng tham gia các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ lĩnh vực KTTV và biến đổi khí hậu phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu, tác nghiệp chuyên môn của hai đơn vị.  
TÀI LIỆU THAM KHẢO  
1. Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2020-Quyết định 929/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Thỏa thuận hợp tác đào tạo lĩnh vực KTTV&BĐKH giữa Trường Đại học TN&MT Hà Nội với Trung tâm KTTV quốc gia, tháng 5/2014 tại Hà Nội.
3. Kỷ yếu Hội thảo quốc gia về đào tạo, phát triển đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực TN&MT – tháng 12/2014, tại Hà Nội.
4. Luật KTTV-tháng 11/2015.
5. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trường Đại học TN&MT Hà Nội.
6. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm KTTV quốc gia.

Th.S LÊ THỊ HƯƠNG
Trường Đại học Tài nguyên và môi trường Hà Nội

Similar posts

Trên cơ sở kế thừa các thành quả hợp tác, căn cứ nhu cầu và năng lực đào tạo, bồi dưỡng giữa hai đơn vị, Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2020, Luật KTTV ..., chúng tôi đề xuất một số giải pháp tăng cường hợp tác đào […]
Ra mắt Mạng lưới đối tác khí nhà kính Việt Nam
Trên cơ sở kế thừa các thành quả hợp tác, căn cứ nhu cầu và năng lực đào tạo, bồi dưỡng giữa hai đơn vị, Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2020, Luật KTTV ..., chúng tôi đề xuất một số giải pháp tăng cường hợp tác đào […]
Xây dựng Khung hướng dẫn quản lý chung cho các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam
Trên cơ sở kế thừa các thành quả hợp tác, căn cứ nhu cầu và năng lực đào tạo, bồi dưỡng giữa hai đơn vị, Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2020, Luật KTTV ..., chúng tôi đề xuất một số giải pháp tăng cường hợp tác đào […]
NÂNG CAO NĂNG LỰC CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN TRONG THỰC HIỆN TĂNG TRƯỞNG XANH
Trên cơ sở kế thừa các thành quả hợp tác, căn cứ nhu cầu và năng lực đào tạo, bồi dưỡng giữa hai đơn vị, Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2020, Luật KTTV ..., chúng tôi đề xuất một số giải pháp tăng cường hợp tác đào […]
ĐÔ THỊ VEN BIỂN TRƯỚC TÁC ĐỘNG CỦA THIÊN TAI, BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Trên cơ sở kế thừa các thành quả hợp tác, căn cứ nhu cầu và năng lực đào tạo, bồi dưỡng giữa hai đơn vị, Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2020, Luật KTTV ..., chúng tôi đề xuất một số giải pháp tăng cường hợp tác đào […]
TẬP HUẤN THÍ ĐIỂM “TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ RỦI RO THIÊN TAI DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG CHO KHU VỰC ĐÔ THỊ/CẬN ĐÔ THỊ VEN BIỂN” TẠI THANH HÓA.
Trên cơ sở kế thừa các thành quả hợp tác, căn cứ nhu cầu và năng lực đào tạo, bồi dưỡng giữa hai đơn vị, Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2020, Luật KTTV ..., chúng tôi đề xuất một số giải pháp tăng cường hợp tác đào […]

© 2022 TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN CỘNG ĐỒNG SINH THÁI