Mới đầu mùa mưa lũ, thiệt hại này đang cảnh báo một thứ hiểm họa được báo trước với người dân miền núi.
Tràn ngập trên báo chí, mạng xã hội những ngày qua không chỉ là những con số xót lòng về số người chết, mất tích, về những phận người sau cơn lũ dữ, mà các hình ảnh, clip về sức cuồng phá của cơn lũ do người dân ghi lại cũng đã gây ấn tượng khủng khiếp cho người xem. Chỉ trong tích tắc, nhà cửa, trường học, cầu cống, đường sá cùng nhiều tài sản chắt chiu tích góp bao năm đã theo bùn đất trôi đi.
Việc cần nhất lúc này là tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, giúp người dân vùng lũ bị thiệt hại nhanh chóng ổn định cuộc sống, với quyết tâm không để ai đói rét, bệnh tật sau lũ. Vì vậy, quả là khó khăn để nói về một nguyên nhân nào đó đã gây ra thảm họa. Người dân đành chỉ biết trách ông Trời không thương, mặc dù biết thừa là có trách cũng chẳng ai nghe!
Thế nhưng chính quyền và ngành chức năng thì không thể đổ lỗi cho thiên nhiên là xong trách nhiệm. Bởi ai chả biết, ở các tỉnh miền núi phía Bắc, sau mưa lớn là lũ ống, lũ quét. Người dân bao đời nay đã quen với tính khí thất thường của thiên nhiên và vẫn chung sống bình thường. Thế nhưng, mấy năm gần đây, sự bình thường ấy đã trở nên bất thường, thiên nhiên ngày càng hung hãn, gây tổn hại nghiêm trọng đến cuộc sống con người.
Lũ ống, lũ quét thường quy mô không lớn, nhưng lại gây sạt lở núi, để lại thiệt hại khó lường khi nó đi qua. Với các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là ở những vùng có độ dốc lớn, sông suối hẹp, người dân thường bám theo các con suối để sinh sống thì hậu quả do lũ quét gây ra càng nghiêm trọng hơn. Sau trận lũ quét tháng 8/2008 xóa sổ một ngôi làng ở thôn Tùng Chỉn, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai làm 19 người thiệt mạng thì có lẽ trận lũ quét ở Mường La và Mù Cang Chải lần này sẽ là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với nhiều người.
Và có lẽ không riêng gì miền núi phía Bắc, mà ở miền Trung, Tây Nguyên, lũ ống, lũ quét cũng là nỗi lo canh cánh của bao người. Một khi rừng – lá chắn sống của thiên nhiên bị con người rút ruột, thì những cơn cuồng nộ của đất trời giáng xuống đầu dân là hậu quả nhãn tiền. Thiên tai là đây, mà nhân tai cũng là đây!
Cả nước có hơn 14.377.680ha rừng, trong đó rừng tự nhiên hơn 10.242.140ha, rừng trồng hơn 4.135.500ha. Trong khi rừng tự nhiên ngày càng giảm thì diện tích rừng trồng chắc chắn không thể tăng tương ứng cả về diện tích lẫn chất lượng che phủ. Người dân phá rừng làm nương rẫy, lâm tặc thì phá rừng bán gỗ. Hàng trăm thủy điện lớn nhỏ dù đóng góp tới 30% lượng điện quốc gia, nhưng hệ lụy mà nó gieo rắc cho người dân vùng hạ lưu vô cùng lớn. Bởi cứ 1MW điện là hơn 16ha rừng bị tàn phá. Mà có ai dám chắc các chủ dự án thủy điện đã trồng trả lại đủ diện tích rừng như đã cam kết?
Khí hậu, thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, cực đoan cùng với những tác động xấu do con người gây ra đối với thiên nhiên, môi trường, nên lũ quét, sạt lở đất ở nước ta ngày càng gia tăng và khó dự báo. Để bảo đảm an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra, giải pháp hiệu quả nhất vẫn là chủ động phòng ngừa, đừng để “nước đến chân mới nhảy”. Cần kết hợp hài hòa việc trồng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn; xây hồ điều tiết lũ ở khu vực thường xảy ra lũ quét; khai thông các đường thoát lũ với việc điều tra, lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét; quy hoạch bố trí dân cư hợp lý, xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp, làm cơ sở xây dựng chương trình tổng thể phòng tránh lũ quét, sạt lở đất một cách đồng bộ, khả thi và hiệu quả. Song, quan trọng nhất là phải tạo được ý thức cảnh giác, chủ động phòng, chống thiên tai của mọi người, nhất là nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở.
Lũ quét, sạt lở đất không còn là lời cảnh báo nữa, mà là sự đáp trả đáng sợ của thiên nhiên. Nếu rừng vẫn tiếp tục bị phá, thủy điện vẫn tiếp tục được xây dựng trong rừng thì những quả bom nước khổng lồ treo trên đầu dân ấy sẽ là mầm họa đối với cuộc sống con người. Những trận lũ lịch sử của năm nay, có ai dám chắc sang năm sẽ không lập kỷ lục mới?
Theo Kinh tế Đô thị