Đến tháng 12 năm 2022, Việt Nam có tổng số 888 đô thị, bao gồm 2 đô thị loại đặc biệt (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh), 22 đô thị loại I, 33 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV, và 690 đô thị loại V (theo Cục Phát triển đô thị, 2022). Tốc độ đô thị hoá nhanh, đặc biệt là vùng ven biển. Trong hơn 20 thập kỷ qua, số lượng đô thị đã từ 629 năm 1999 lên 888 đô thị năm 2022; tỷ lệ đô thị hóa từ 20,7% năm 1999 lên 41% năm 2022.
Trong hơn 20 thập kỷ qua, số lượng đô thị đã từ 629 năm 1999 lên 888 đô thị năm 2022; tỷ lệ đô thị hóa từ 20,7% năm 1999 lên 41% năm 2022. Và theo Quy hoạch phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì dự kiến tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đến năm 2025 đạt ít nhất 45% và đến khi đó nước ta sẽ có khoảng 950 đô thị.
Các đô thị ven biển thường chịu tác động của đa dạng các loại hình thiên tai và yếu tố BĐKH, điển hình như bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, sạt lở bờ sông và bờ biển, lũ quét, nắng nóng, mực nước biển dâng, xâm nhập mặn…, gây ảnh hưởng lớn về con người, tài sản và môi trường, hệ sinh thái. Đô thị được xem là nơi chịu thiệt hại nhiều nhất trước thiên tai bởi tính tập trung dân cư, tài sản và nằm ở những vị trí, địa hình nhạy cảm, tiếp xúc nhiều với thiên tai, tức là dễ bị tổn thương (DBTT). Tùy theo vị trí địa lý, cảnh quan mà mức độ chịu tác động và nguy cơ rủi ro của mỗi đô thị, loại đô thị sẽ khác nhau.
Thực tế chục năm qua đã ghi nhận xu hướng gia tăng về cường độ, tần suất và mức độ thiệt hại, tổn thất do thiên tai, BĐKH gây ra cho vùng ven biển, xuất hiện nhiều hơn các cộng đồng DBTT mà trong đó có cả lĩnh vực tư nhân với các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Ở các địa phương ven biển nơi có sự kết hợp giữa đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, trung tâm thương mại thì thiên tai thường làm gián đoạn việc vận chuyển, lưu thông hàng hoá và có thể gây ngưng trệ sản xuất, ảnh hưởng đến không chỉ doanh nghiệp mà cả thu nhập, đời sống của hàng ngàn công nhân và gia đình họ. Hệ thống xử lý chất thải rắn và hệ thống cấp, thoát nước đô thị là những đối tượng dễ bị tác động. Lượng mưa gia tăng sẽ gây nguy cơ ngập lụt các điểm lưu giữ, các tuyến thu gom, vận chuyển, trung chuyển, làm gián đoạn quá trình xử lý chất thải rắn tại một số khu vực cũng như khó khăn cho nguồn cấp và quá trình cấp – thoát nước.
Dọc chiều dài đường bờ biển 3.200 km nước ta hiện có khoảng 600 đô thị các loại (Cục Phát triển đô thị, 2022) và hầu hết chưa có quy hoạch phát triển đô thị lồng ghép với đánh giá RRTT và tác động của BĐK. Trong khi đó, năng lực thích ứng của cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cấp – thoát nước đô thị,.. phần lớn ở mức trung bình, nhiều nơi không đáp ứng khi có sự kiện cực đoan như mưa lớn, nắng nóng kéo dài. Rõ ràng, sức chống chịu thiên tai, khả năng thích ứng BĐKH của đô thị ven biển hạn chế, đặc biệt là các đô thị loại IV và V trong đó có bao gồm nhiều thị trấn, phường mới chuyển lên từ các xã nông thôn và khu vực dân cư cận đô thị. Điều này càng cho thấy công tác quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trong đó có hoạt động đánh giá RRTT, rủi ro do BĐKH ở các địa phương đô thị là vô cùng quan trọng, là đầu vào cần thiết cho lập kế hoạch PCTT thiên tai, thích ứng BĐKH và tăng tính hiệu quả của các kế hoạch phát triển ngành, KT-XH có lồng ghép vấn đề BĐKH hay các rủi ro từ tự nhiên.
Trong các nỗ lực nhằm đóng góp cho mục tiêu tăng cường khả năng chống chịu biến đổi khí hậu của các cộng đồng sinh thái, Trung tâm Phát triển cộng đồng sinh thái (ECODE) có một số hoạt động nghiên cứu và triển khai liên quan tới lĩnh vực này. Một trong số đó là việc ECODE đang phát triển tài liệu hướng dẫn đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho khu vực đô thị ven biển, bao gồm cả khu vực cận đô thị. Hoạt động này được thực hiện trong khuôn khổ dự án GCF – Chống chịu biến đổi khí hậu của UNDP. Dự kiến tài liệu sẽ được xuất bản vào đầu Quý 2 năm 2023.
(Hoàng Hà & Phương Thảo – Trung tâm ECODE)