Phiên họp “Đối tác chính sách về An ninh lương thực (PPFS)”, trong khuôn khổ Hội nghị các Quan chức Cao cấp Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017 lần thứ nhất (SOM 1) và các cuộc họp liên quan.. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN
Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp (SOM1) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương năm 2017 và các cuộc họp liên quan, ngày 25/2, tại Nha Trang (Khánh Hòa), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chủ trì Diễn đàn đối tác chính sách về An ninh lương thực (PPFS).
Bên lề Diễn đàn này, phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về những sáng kiến được đề xuất tại Diễn đàn lần này.
Ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Chủ tịch Diễn đàn đối tác chính sách về an ninh lương thực cho biết: Trong Năm APEC 2017 , chủ đề an ninh lương thực thích ứng với biến đổi khí hậu được chọn là một trong bốn chủ đề ưu tiên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương do Việt Nam đề xuất. Vì vậy, các nội dung thảo luận tại Diễn đàn đối tác chính sách về an ninh lương thực rất quan trọng.
Tại Diễn đàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra ba sáng kiến gồm: Kế hoạch hành động để thực hiện khung chiến lược của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương về phát triển đô thị – nông thôn nhằm tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng bền vững; Kế hoạch hành động để thực hiện Chương trình APEC về An ninh lương thực và biến đổi khí hậu; Tuyên bố Cần Thơ về tăng cường phát triển bền vững và an ninh lượng thực thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đưa ra hai đề xuất gồm: Phát triển kinh doanh nông nghiệp để hỗ trợ chuyển đổi lao động nông thôn tại các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương; Thích ứng biến đổi khí hậu: Tác động tới Chiến lược an ninh lương thực.
“Qua trao đổi với các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trong quá trình xây dựng sáng kiến và đề xuất, các nền kinh tế thành viên đánh giá cao chủ nhà Việt Nam trong việc đưa ra sáng kiến và đề xuất đúng trọng tâm, sự chuẩn bị chu đáo các tài liệu liên quan để triển khai hiệu quả Diễn đàn đối thoại chính sách về an ninh lương thực. Việc này tạo tiền đề chuẩn bị cho các hoạt động tiếp theo của Năm APEC Việt Nam 2017 trong đó có Đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu tại thành phố Cần Thơ vào tháng 8/2017”, ông Trần Kim Long nói.
Đánh giá về tầm quan trọng của an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khốc liệt, đặc biệt đối với Việt Nam, ông Trần Kim Long cho rằng, an ninh lương thực là một nội dung được các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á –Thái Bình Dương quan tâm và cũng đã có nhiều hoạt động trước đây. Trong Năm APEC Việt Nam 2017, chủ nhà Việt Nam đã đưa ra một số vài sáng kiến cũng như hành động thực tiễn trong vấn đề phát triển bền vững có liên quan đến an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, đặc biệt là đối với Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Trần Kim Long nhấn mạnh, nội dung liên quan đến an ninh lương thực tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đã và đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hiệu quả. Đây là cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, kết quả đạt được trong vấn đề an ninh lương thực của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam trong vấn đề của quốc gia cũng như của thế giới.
Bên cạnh Diễn đàn đối tác chính sách về an ninh lương thực, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tích cực tham gia một số Nhóm công tác khác như: Nhóm công tác về Giảm nhẹ thiên tai, Biển và đại dương, Thương mại và quản lý khai thác gỗ hợp pháp… được tổ chức tại Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp (SOM1) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương và các cuộc họp liên quan. Kết quả đạt được từ các Nhóm công tác này cũng góp phần thực hiện ưu tiên về an ninh lương thực và nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nguồn: Baomoi