Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích những tác động của BĐKH tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam; thảo luận các nhiệm vụ triển khai Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH, ứng với mỗi địa phương.
Ông Hà Minh Châu, Phó Chánh Văn phòng BĐKH TP. HCM cho biết: TP.HCM đang bị tác động nặng nề của tình trạng BĐKH, nước biển dâng, đặc biệt là hiện tượng thời tiết cực đoan. Gần đây nhất, đợt hạn năm 2015 đầu 2016 đã ảnh hưởng đến công tác cấp nước sạch của thành phố. Trận mưa lớn vào ngày 26/9/2016 với vũ lượng mưa lên đến 204,3 mm đã gây ngập trên diện rộng. Tình trạng ngập lụt đô thị diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, đời sống người dân. Tình trạng xâm nhập mặn, sạt lở bờ biển khu vực Cần Giờ cũng đang là những mối lo ngại đối với thành phố.
Ông Huỳnh Lê Khoa, Phó Trưởng Phòng KTTV và BĐKH, Sở TN&MT TP.HCM phát biểu
Ông Huỳnh Lê Khoa, Phó Trưởng Phòng KTTV và BĐKH (Sở TN&MT TP.HCM) đặc biệt nhấn mạnh tình trạng mưa cực đoan không theo quy luật với vũ lượng rất lớn. Vì vậy, kịch bản về BĐKH mà Bộ TN&MT công bố về lượng mưa trung bình dường như không phản ánh hết được tình trạng ngập nước do mưa tại TP.HCM trong thời gia vừa qua.
Trao đổi về thực trạng tại TP.HCM, ông Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cho UBQG về BĐKH cũng cho rằng, BĐKH đã gây ra thời tiết cực đoan, lượng mưa lớn trong một thời gian ngắn, kết hợp với hạ tầng thoát nước của không đáp ứng được nên đã gây ra tình trạng ngập nước ngày càng trở nên trầm trọng tại đô thị lớn nhất cả nước. Hiện nay, Bộ TN&MT và TP.HCM đang phối hợp triển khai dự án nghiên cứu, phân tích về cường độ mưa trong tương lai, trong thời gian ngắn nữa sẽ hoàn thành, đây là cơ sở để TP.HCM thực thi các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
Ngoài ra, ông Trần Thục cũng lưu ý với TP.HCM, trước mắt, mực nước biển dâng không nguy hiểm bằng tình trạng sụt lún nền đất do việc khai thác nước ngầm quá mức và tình trạng xây dựng, bê tông hóa quá nhanh và tập trung. Điều đó, sẽ dẫn tới tới thực cảnh TP.HCM đang bị lún trong bối cảnh nước biển ngày một dâng.
Nguy hiểm hơn cả TP.HCM, khu vực ĐBSCL đang hứng chịu những tác động nặng nề của tình trạng BĐKH gây ra: xâm nhập mặn đã vào sâu trong đất liền hàng chục km, sạt lở bờ biển xảy ra trên diện rộng với cường độ ngày càng khốc liệt, tình trạng ngập nước tại các đô thị và dân cư nông thôn đang ngày càng trầm trọng…BĐKH đang tác động trực tiếp đến 20 triệu người dân khu vực ĐBSCL, gây ra những thiệt hại về kinh tế ngày càng lớn.
Chính vì vậy, TP.HCM và các tỉnh khu vực ĐBSCL phải có những hành động kịp thời về ứng phó với BĐKH, trong đó có việc xây dựng và ban hành kế hoạch của mỗi địa phương triển khai Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH.
Tuy nhiên, đại diện các địa phương ĐBSCL còn “băn khoăn” nhiều vấn đề trong công tác thích ứng BĐKH cũng như việc xây dựng và ban hành kế hoạch cấp tỉnh triển khai Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris.
Tình trạng sạt lở bờ biển tại Cà Mau ngày càng nghiêm trọng
Ông Đặng Hữu Lạc, Phó Giám đốc Sở TN&MT Cà Mau khẳng định, Cà Mau chính là địa phương bị tác động nặng nề nhất của tình trạng BĐKH ở ĐBSCL và cả nước, trong đó tình trạng sạt lở, xói mòn bờ biển, xâm nhập mặn ngày càng sâu vào đất liền. Vì vậy, việc giữ nguyên diện tích đất trồng lúa là không phù hợp với thực tế. Ông Lạc kiến nghị nên điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất theo hướng giảm diện tích đất trồng lúa và tăng diện tích đất nuôi tôm.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, trước mắt Cà Mau không cần thay đổi kế hoạch, mục đích sử dụng đất. Trên thực tế, Cà Mau đã là trung tâm nuôi trồng và chế biến tôm của khu vực ĐBSCL trên cơ sở chuyển đổi phương thức canh tác, nuôi tôm trên những khu vực đất trồng lúa bị nhiễm mặn. Đây là một bước chuyển đổi trong quá trình “Chuyển đổi quy mô lớn” của ĐBSCL đang được Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành và địa phương nghiên cứu.
Ông Huỳnh Phước Hiệp, Giám đốc Sở TN&MT Trà Vinh
Ông Huỳnh Phước Hiệp, Giám đốc Sở TN&MT Trà Vinh cho rằng: Trà Vinh là tỉnh nông nghiệp, nhưng dưới tác động của xâm nhập mặn nên năng suất thấp. Tuy nhiên, trên địa bàn Trà Vinh có Trung tâm Điện lực Duyên Hải, đóng góp tỷ lệ vào GDP của đại phương rất lớn, nhưng đây cũng là nguồn phát sinh những nguồn thải có thể tác động đến môi trường rất lớn, trong đó có khí phát thải nhà kính. Đến nay, địa phương cũng chưa biết quy trình, phương pháp, kỹ thuật để quản lý nguồn phát thải nhà kính này như thế nào. Cho nên, ông Hiệp đề nghị Trung ương cần sớm có những văn bản pháp quy, tài liệu hướng dẫn về quản lý phát thải nhà kính để các địa phương có căn cứ triển khai.
Về vấn đề này, Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục BĐKH thông tin, thực hiện nhiệm vụ được giao, hiện tại Cục BĐKH đang chủ trì soạn thảo Dự thảo Nghị định của Chính phủ về lộ trình và phương thức giảm phát thải khí nhà kính, dự kiến trong năm 2018 trình Chính phủ ban hành. Đây sẽ là khung pháp lý thống nhất để cácbộ ngành, địa phương thực hiện.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu kết thúc Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá cao các địa phương khu vực phía Nam đã có nhiều hành động thích ứng với BĐKH, cũng như bước đầu nghiên cứu về Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris của Việt Nam.
Đồng thời, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị từ nay đến cuối năm 2017, tất cả các địa phương khu vực phía Nam và trên cả nước phải hoàn thành xây dựng và ban hành kế hoạch cấp tỉnh triển khai Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH.. Viện KTTV &BĐKH và Cục BĐKH có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn, trao đổi với các địa phương để hoàn thành nhiệm vụ.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng lưu ý, các địa phương khi xây dựng kế hoạch phải bám sát thực tế, tính khả thi cao, không làm vì phong trào, làm vì nhiệm vụ mà phải thiết thực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương mình. Đăc biệt, các địa phương khi xây dựng kế hoạch cần có sự liên thông, phối hợp gắn kết với nhau mang tính liên vùng nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.