Skip to content

“Đo ni đóng giầy” dấu chân carbon, rảo bước tiến vào sân chơi lớn

Ai cũng có dấu chân của riêng mình, nhưng để giữ ngôi nhà chung được sạch sẽ, thì cần hạn chế tối đa việc để lại dấu chân lấm lem bùn đất. Khái niệm “dấu chân carbon” vì thế ra đời, đây là thước đo chúng ta thải ra bao nhiêu khí nhà kính mỗi năm, vì mỗi người mỗi khác.

Chẳng hạn trung bình mỗi năm một người Ấn Độ thải ra 1,7 tấn CO2. Một người Trung Quốc có “dấu chân carbon” to hơn, là 7,2 tấn/năm. Của người Mỹ thì “dấu chân carbon” rất to 16,5 tấn/năm. Tại Việt Nam là 2,3 tấn/năm. Cũng giống như việc lựa chọn giầy hoặc dép thì mỗi lựa chọn trong cuộc sống của chúng ta sẽ góp phần định hình dấu chân carbon của mỗi người. Năm qua, rất nhiều bước chạy của doanh nghiệp đã phải chững lại một chút, để có thể đo đạc lại và suy ngẫm nhiều hơn.

ĐO ĐẠC “DẤU CHÂN CARBON”

“Trong khoảng hơn 10 năm qua, chúng tôi sản xuất thép gần như không phải nghĩ đến vấn đề tiêu thụ. Chúng tôi làm 24/24, làm cả ngày cả đêm, làm 365 ngày/năm. Có những lò luyện cốc, lò cao hoạt động liên tục, gần như không bao giờ tắt lửa… Nhưng bắt đầu từ cuối năm 2023 châu Âu chính thức thông qua Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), nếu mình không chuẩn bị tốt, thì ngoài không bán được sản phẩm vào thị trường khó tính như châu Âu, mà khách hàng của mình còn bị ảnh hưởng”, ông Mai Văn Hà, Giám đốc CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết.

Theo ông Hà, không riêng gì ngành thép mà ngành nào để chuyển đổi xanh một cách triệt để cũng cần một lượng vốn rất lớn và phát kiến khoa học công nghệ khiến chi phí giá thành tăng 20-30%.

“Thông lệ quốc tế cứ 1 tấn thép thì tạo ra 2 tấn CO2. Doanh nghiệp nào làm to, làm lớn thì muốn dấu chân lớn. Xu thế giờ doanh nghiệp cần để lại dấu chân bền vững, dấu chân có hàm lượng carbon nhỏ nhất”, ông Hà nhấn mạnh.

“Dấu chân carbon” là thước đo thải ra bao nhiêu khí nhà kính mỗi năm

Còn với ông Bảy Minh (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), hình ảnh ông lẩm bẩm một mình ngoài ruộng, mắt dán vào màn hình điện thoại đã không còn quá xa lạ với người dân nơi đây.

“Được học lớp tập huấn về giảm phát thải nhà kính. Cài app Rice Hero, mình làm cái gì mình nhập cái đó, bữa nay dùng bao nhiêu kg phân, giá phân bao nhiêu, công lao động là mình nhập vô… Lúc đầu cũng bỡ ngỡ lắm song hiểu được thì làm cũng dễ”, ông Bảy Minh nói.

Ông Bảy Minh kể tôi, hồi năm 2006, ông đi học “3 giảm 3 tăng”, rồi tới lớp “1 phải 5 giảm”, bây giờ phải học tiếp “1 phải 6 giảm”. Cái giảm thứ 6 là giảm phát thải khí nhà kính. Mà muốn giảm, phải đo coi khí nhà kính của ruộng mình là bao nhiêu.

Việc đo đạc lượng khí carbon phát thải với mỗi doanh nghiệp được dự báo sẽ không còn là tự nguyện nữa, mà là bắt buộc trong tương lai không xa. Theo Quyết định 01 của Thủ tướng Chính phủ, 1.912 doanh nghiệp sẽ phải thực hiện đo đạc, kiểm kê phát thải khí nhà kính.

Trong đó, hiện xây dựng là ngành duy nhất chưa đưa ra được thước đo chung. Nên 104 doanh nghiệp của ngành xây dựng vẫn chưa đo được “dấu chân carbon” của mình.

Còn mới đây, Bộ Công Thương đã công bố thước đo của ngành. Đây là lĩnh vực có tỉ lệ doanh nghiệp lớn nhất cần đo đạc, kiểm đếm carbon nhiều nhất.

“Một doanh nghiệp muốn kiểm kê phát thải khí nhà kính sẽ dựa vào thống kê các số liệu về phát thải gồm phát thải từ năng lượng sử dụng trực tiếp như than, dầu… cũng như năng lượng phát thải gián tiếp như điện năng và phi năng lượng”, ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết.

Với ngành giao thông vận tải, trong tổng số 70 doanh nghiệp cần phải thực hiện đo đạc và kiểm kê phát thải khí nhà kính có đến 29 công ty chưa gửi báo cáo về cho Bộ Giao thông vận tải về để tổng hợp.

Trong khi đó, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã có thước đo về phát thải khi nhà kính khi ban hành Thông tư hướng dẫn các doanh nghiệp trong ngành đo đạc và kiểm kê. Hiện 76/76 doanh nghiệp cần phải kiểm kê đã có kết quả báo cáo sơ bộ.

Bộ Tài nguyên & Môi trường còn là đơn vị đầu mối tổng hợp số liệu đo đạc và kiểm kê từ các bộ ngành để báo cáo Chính phủ. Mục đích là nhằm ban hành quy định về phân bổ hạn ngạch phát thải cho từng lĩnh vực – được hiểu là mức phát thải tối đa mà các doanh nghiệp không thể vượt qua.

“Khi có được “quota” tức hạn ngành phát thải, các doanh nghiệp sẽ tham gia được vào thị trường carbon – tức thị trường trao đổi hạn ngạch và tín chỉ carbon trong tương lai. Bộ Tài nguyên & Môi trường và Bộ Tài chính đang xây dựng đề án trình Thủ tướng phê duyệt về thị trường carbon”, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết.

Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê cập nhật, với số lượng tăng lên 2.893 doanh nghiệp.

Số đo “dấu chân carbon” của Việt Nam là khoảng 344 triệu tấn CO2/năm

Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2022, số đo “dấu chân carbon” của Việt Nam là khoảng 344 triệu tấn CO2/năm. Con số này không hề nhỏ, vì nó xếp thứ 17 trên toàn cầu. “Dấu chân” của chúng ta đang to và đậm hơn rất nhiều quốc gia khác trong khu vực.

Năng lượng đang được xem là lĩnh vực in dấu đậm nhất lên môi trường khi chiếm hơn 63% tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam.

THÀNH PHỐ “XANH” TRÊN NHỮNG GIẾNG DẦU

Tại Vùng Vịnh, những thành phố không khí phát thải hay những hệ sinh thái năng lượng tái tạo đang được nhắc tới ngày càng nhiều hơn. Đó là những mảnh đất nằm trên những giếng dầu nhưng sẽ dần không sử dụng những phương tiện chạy bằng xăng dầu nữa. Thay vào đó sẽ là những xe chạy hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo và tự lái như thế này. Đó cũng là những thành phố có khả năng tự sản sinh ra năng lượng cho toàn bộ nhu cầu của mình.”

“Chúng tôi nhận ra rằng, nếu những thành phố tới đây không tìm ra được một lời giải hiệu quả cho vấn đề năng lượng bền vững, thì nó sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị bỏ lại phía sau”, ông Chris Wan, Quản lý cao cấp Bộ phận Bền vững và Trách nhiệm doanh nghiệp, thành phố Masdar, Abu Dhabi cho biết.

Xây dựng mỗi thành phố có thể trở thành một tổ hợp về năng lượng tái tạo đang là một xu thế tại Vùng Vịnh. Như tại Dubai (UAE) mới đây đã quy định bắt buộc toàn bộ các tòa nhà sẽ phải lắp đặt tấm năng lượng mặt trời trên mái, kể từ năm 2030. Song song với đó là hướng đến những mô hình khu đô thị không khí thải.

“Chúng tôi đã lắp đặt các tấm thu năng lượng mặt trời trên toàn bộ mái các khu đỗ xe của thành phố. Nó giúp tạo ra đủ năng lượng cho tất cả công trình công cộng ở nơi đây, từ đèn đường, bể bơi hay khu thể thao. Tùy vào thời điểm. Như mùa đông, khi không cần sử dụng điều hoà, thì năng lượng mặt trời có thể đáp ứng được 100% nhu cầu. Những hóa đơn điện vào mùa đông vì thế hầu như đều bằng 0”, bà Marwa Mahlawi, quản lý cấp cao Thành phố Bền vững, Dubai cho biết.

Những cây năng lượng mặt trời với những tấm năng lượng mặt trời có khả năng xoay vòng 360 độ để hứng ánh nắng, giúp tăng tối đa hiệu năng sản xuất năng lượng (Ảnh: Suneesh Sudhakaran/Expo 2020 Dubai)

Những mảnh đất Vùng Vịnh sa mạc, sau dầu mỏ liệu còn có thể có gì? Đây là câu hỏi mà những quốc gia nơi đây đã thường xuyên đặt ra trong những năm qua. Và khi phải trả lời cho bài toán sống còn của tương lai, thì mảnh đất này đang từng bước xây dựng nên một hệ sinh thái năng lượng tái tạo.

Cây năng lượng mặt trời giờ đây đã trở thành một loài cây độc đáo của xứ sở sa mạc này. Những cây năng lượng mặt trời với những tấm năng lượng mặt trời có khả năng xoay vòng 360 độ để hứng ánh nắng, giúp tăng tối đa hiệu năng sản xuất năng lượng.

AI GÂY Ô NHIỄM NGƯỜI ĐÓ PHẢI TRẢ TIỀN

Ước tính, lượng hàng hóa giao thương bằng tàu biển chiếm tới 90% tổng số hàng hóa giao thương toàn cầu. Đáng nói là số tàu biển giao thương này phát thải ngang bằng tổng lượng khí nhà kính của cả một nền kinh tế hàng đầu Liên minh châu Âu (EU), là nước Đức. Đó cũng là một phần lý do mà dấu vết carbon từ châu Á, hay từ bất kỳ đâu đổ dồn về châu Âu, sẽ càng lúc càng đậm hơn. Vì vậy với các quốc gia châu Âu, việc luật hóa “dấu chân carbon”, là hàng rào duy nhất để chặn đứng những dấu chân carbon quá khổ, ngay từ biên giới.

Theo đó, hàng hóa nhập khẩu vào đất châu Âu mang theo “dấu chân carbon”, nhiều hay ít tùy thuộc vào quá trình sản xuất và vận chuyển sản phẩm đó. Theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), trong giai đoạn đầu, 6 nhóm sản phẩm công nghiệp thâm dụng năng lượng có dấu chân carbon đậm nét được đưa vào tầm ngắm. Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới sẽ buộc mọi nhà cung ứng phải xanh hóa quy trình, giảm phát thải ở mọi công đoạn trong chuỗi giá trị.

“Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon thúc đẩy các nước khác cập nhật mục tiêu khí hậu. Đây có lẽ là cách duy nhất khuyến khích các doanh nghiệp bên ngoài châu Âu giảm thải. Họ có thể xuất khẩu vào châu Âu, nhưng phải đáp ứng những điều kiện tương tự như những điều kiện mà các doanh nghiệp châu Âu đã phải tuân thủ trong suốt 15 năm qua. Ai gây ô nhiễm, người đó phải trả tiền”, ông Mohammed Chahim, Nghị sĩ Hà lan, báo cáo viên Nghị viện châu Âu cho biết.

Lấy ví dụ, nhờ công nghệ giảm thải, một tấn xi măng sản xuất trong EU chỉ tạo ra nửa tấn carbon. Song 1 tấn xi măng sản xuất bên ngoài Liên Minh châu Âu có lượng phát thải gấp đôi. Khi đưa tấn xi măng này vào trong Châu Âu, nhà nhập khẩu sẽ phải trả khoản tiền tương đương nửa tấn carbon vượt quá theo giá mua bán tín chỉ carbon tại thời điểm nhập khẩu.

Theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), ai gây ô nhiễm thì người đó phải trả tiền

Theo lộ trình, trong giai đoạn đầu để doanh nghiệp làm quen, kéo dài 3 năm, sẽ không có thay đổi gì lớn, nhà nhập khẩu vào châu Âu chỉ phải khai báo lượng khí thải liên quan đến sản phẩm. Từ năm 2026, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon sẽ chính thức được áp dụng vào thực tế.

Doanh nghiệp muốn tránh chi phí này chỉ còn cách đầu tư giảm thải trong quy trình sản xuất tại nước mình. Với cơ chế này, doanh nghiệp của chính các nước châu Âu cũng không thể lách luật bằng cách chuyển nhà máy ra khỏi bên ngoài EU. Hàng hóa của doanh nghiệp châu Âu sản xuất tại nước ngoài khi nhập vào châu Âu vân phải trả phải thêm phần chênh lệch nếu có lượng khí thải lớn hơn so với quy định.

Nối gót EU, mới đây nhất, Vương Quốc Anh cũng đã chính thức tuyên bố cơ chế đánh thuế carbon ở biên giới của riêng họ, và hình dáng cụ thể của hàng rào này cũng sẽ được quyết định trong năm nay.

DỰ LUẬT “CẠNH TRANH SẠCH”

Còn ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, ở nền kinh tế số 1 thế giới – Mỹ, những hàng rào đang được dựng lên như thế nào? Tin mừng là Mỹ mới đang cân nhắc. Nhưng điều đáng lo, nếu hàng rào này được Mỹ quyết định dựng lên, nó sẽ còn khắt khe và khó vượt qua gấp từ 2-3 lần so với của EU hay Vương Quốc Anh. Khi ấy có 2 lựa chọn cho những dấu chân carbon của doanh nghiệp: Một là phải tự thu nhỏ lại để lọt qua những hàng rào này, và 2 là phải chấp nhận trả thêm rất nhiều tiền cho dấu chân quá khổ của mình.

Từ giữa năm 2022, Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse đã giới thiệu dự luật Clean Competition Act, tạm dịch là dự luật “Cạnh tranh sạch”. Dự luật này nhắm đến mục tiêu buộc các nhà xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường giống như các công ty Mỹ.

“Có một sự thật là các nhà máy của chúng ta có cường độ carbon thấp, ít hơn tới 15% so với các đối thủ cạnh tranh. Vì vậy nếu chúng ta buộc các đối tác thương mại cũng phải hạn chế mức phát thải carbon giống như tiêu chuẩn tại Mỹ, chúng ta sẽ có ưu thế. Các đối tác thương mại sẽ phải trả thêm tiền khi xuất khẩu hàng vào Mỹ hoặc họ phải đầu tư dây chuyền sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn của chúng ta”, ông Sheldon WhiteHouse, Thượng nghị sĩ Mỹ cho biết.

Hàng hóa Việt Nam có nguy cơ giảm tính cạnh tranh khi dự luật “Cạnh tranh sạch” được thông qua

Dự kiến có hiệu lực vào năm 2025 nếu được thông qua, dự luật “Cạnh tranh sạch” sẽ đánh thuế theo cường độ carbon với tất cả các hàng hóa nhập khẩu. Điều này có nghĩa là khi cường độ carbon trong hàng hóa nhập khẩu vượt quá tiêu chuẩn, công ty nhập khẩu sẽ phải trả một khoản thuế được tính bằng tỷ lệ carbon vượt mức nhân với tổng khối lượng và giá carbon.

“Theo dự luật này, mức phí phải trả sẽ tăng hàng năm, trong khi mức carbon tối thiểu cần đạt cũng sẽ giảm hàng năm. Tuy nhiên, điểm thú vị là các quốc gia sẽ có cơ hội cùng tham gia với Mỹ vào một câu lạc bộ carbon. Khi đó, nếu quốc gia thành viên cũng có cơ chế đánh thuế carbon ngay từ trong nước, thì hàng hóa xuất khẩu tới Mỹ sẽ không phải trả mức phí đó nữa, giúp họ có lợi thế cạnh tranh đáng kể so với hàng hóa từ các quốc gia khác”, ông Kenneth J. Markowitz, Luật sư về Biến đổi Khí hậu, Cộng sự Công ty Akin Gump Strauss Hauer & Feld LLP thông tin.

“ĐO NI ĐÓNG GIÀY” NGAY TỪ BÂY GIỜ

Dự luật “Cạnh tranh sạch” mới đưa ra thảo luận và còn chưa rõ khả năng thông qua trong Quốc hội Mỹ khóa này. Tuy nhiên, dự luật cũng cho thấy xu hướng thiết lập hàng rào thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.

Nếu dự luật Cạnh Tranh Sạch được ban hành, rất nhiều hàng hóa, trong đó có những mặt hàng nhập từ Việt Nam sẽ phải chịu thêm thuế carbon. Điều này sẽ làm giảm sức cạnh tranh tại thị trường Mỹ.

Khi Mỹ chưa thông qua Dự luật “Cạnh tranh sạch” thì hàng hóa Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục hiện diện trên các quầy hàng siêu thị ở đó mà không gặp cản trở gì. Hay ở châu Âu thì cũng vẫn còn lộ trình 3 năm nữa thì việc đánh thuế mới chính thức được áp dụng. Thế nhưng, để chuẩn bị cho những bước đi của tương lai, thì chúng ta sẽ phải “đo ni đóng giầy” ngay từ bây giờ. Có những đôi giày nhỏ gọn hơn, sạch hơn, mà doanh nghiệp Việt Nam buộc phải xỏ vào nếu muốn bước ra sân chơi lớn. Bởi chắc chắn, muốn làm lớn thì phải theo chuẩn lớn.

63% tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam đến từ lĩnh vực năng lượng

“Không 1 quốc gia nào muốn phát triển nhanh, bền vững mà không thực hiện theo mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn. Khi nào chúng ta thấy đó là con đường tất yếu chúng ta phải đi thì mới có các hành động cụ thể hiệu quả được”, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết.

Theo ông Dũng, Bộ Kế hoạch & Đầu tư với tư cách là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo theo dõi về tăng trưởng xanh, đang nỗ lực cùng các bộ ngành xây dựng các thể chế, cơ chế chính sách, mà đấy là yếu tố quan trọng mang tính đột phá. Trước hết là phân loại xanh, xây dựng hệ thống ngành kinh tế về tăng trưởng xanh. Thứ hai là các cơ chế chính sách, cơ chế ưu đãi để người ta thực hiện. Thứ ba là dự án thí điểm.

“Bên cạnh đó là công tác truyền thông, nâng cao nhận thức. Rồi phải tìm được nguồn lực, đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đấy là những cái chúng ta lựa chọn cách đi và bước đi cho phù hợp với hoàn cảnh của chúng ta”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Nguồn: VTV (https://vtv.vn/kinh-te/do-ni-dong-giay-dau-chan-carbon-rao-buoc-tien-vao-san-choi-lon-20240212022533058.htm)

Bài viết cùng chuyên mục

Ra mắt Mạng lưới đối tác khí nhà kính Việt Nam
Ai cũng có dấu chân của riêng mình, nhưng để giữ ngôi nhà chung được sạch sẽ, thì cần hạn chế tối đa việc để lại dấu chân lấm lem bùn đất. Khái niệm “dấu chân carbon” vì thế ra đời, đây là thước đo chúng ta thải ra bao […]
Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về giảm phát thải, thị trường các-bon
Ai cũng có dấu chân của riêng mình, nhưng để giữ ngôi nhà chung được sạch sẽ, thì cần hạn chế tối đa việc để lại dấu chân lấm lem bùn đất. Khái niệm “dấu chân carbon” vì thế ra đời, đây là thước đo chúng ta thải ra bao […]
Xây dựng Khung hướng dẫn quản lý chung cho các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam
Ai cũng có dấu chân của riêng mình, nhưng để giữ ngôi nhà chung được sạch sẽ, thì cần hạn chế tối đa việc để lại dấu chân lấm lem bùn đất. Khái niệm “dấu chân carbon” vì thế ra đời, đây là thước đo chúng ta thải ra bao […]
Cán bộ các khu dự trữ sinh quyển khu vực phía Nam được tập huấn về đa dạng sinh học và lâm sản ngoài gỗ
Ai cũng có dấu chân của riêng mình, nhưng để giữ ngôi nhà chung được sạch sẽ, thì cần hạn chế tối đa việc để lại dấu chân lấm lem bùn đất. Khái niệm “dấu chân carbon” vì thế ra đời, đây là thước đo chúng ta thải ra bao […]
Thêm một khoá tập huấn về bảo tồn đa dạng sinh học và khai thác bền vững lâm sản ngoài gỗ cho các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam
Ai cũng có dấu chân của riêng mình, nhưng để giữ ngôi nhà chung được sạch sẽ, thì cần hạn chế tối đa việc để lại dấu chân lấm lem bùn đất. Khái niệm “dấu chân carbon” vì thế ra đời, đây là thước đo chúng ta thải ra bao […]
Chương trình Đào tạo khu vực về Giới – Giảm thiểu rủi ro thiên tai mang tính chuyển đổi
Ai cũng có dấu chân của riêng mình, nhưng để giữ ngôi nhà chung được sạch sẽ, thì cần hạn chế tối đa việc để lại dấu chân lấm lem bùn đất. Khái niệm “dấu chân carbon” vì thế ra đời, đây là thước đo chúng ta thải ra bao […]

© 2022 TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN CỘNG ĐỒNG SINH THÁI