Người ta thường biết đến El Nino – kiểu khí hậu gây ra thời tiết khô hạn và nóng hơn bình thường vào mùa hè ở Ôxtrâylia và diễn biến tiêu cực hơn khi hiện tượng hiệu ứng nhà kính diễn ra do các hoạt động gây ô nhiễm của con người. Đối lập với El Nino là kiểu khí hậu La Nina, diễn ra theo chu kỳ khoảng từ 2 – 7 năm, hay còn được gọi là El Nino dao động phương Nam (ENSO).
Tuy nhiên, có một kiểu khí hậu khác ảnh hưởng khá lớn đến khí hậu của khu vực này, nhưng ít được đem ra thảo luận và nghiên cứu, đó là kiểu khí hậu dao động đa thập niên Thái Bình Dương (IPO), là sự thay đổi về lượng mưa, nhiệt độ, lưu lượng nước sông và năng suất cây trồng ở Ôxtrâylia trong suốt nhiều thập kỷ.
Từ El Nino và La Nina trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là cậu bé và cô bé. Hai kiểu thời tiết mới của IPO được gọi theo một cách khác là El Tío (người chú, cậu) và đối nghịch của nó là La Tía (người cô, dì).
Diễn biến cũng như hậu quả của El Tío và La Tía rất khó dự đoán, được ví như người cậu và người cô say rượu trong bữa ăn họp mặt gia đình, thật khó đoán được họ sẽ nói những gì trong bữa ăn đó.
Hiện tượng El Niño vào năm 2015 trên cả Thái Bình Dương (Ảnh: NOAA)
Giống như ENSO, IPO có liên quan đến sự chuyển động của dòng nước ấm quanh Thái Bình Dương, nhưng IPO có thời gian ảnh hưởng lâu dài, từ 10 – 30 năm/chu kỳ, lâu hơn nhiều so với chu kỳ từ 2 – 7 năm của ENSO.
Mô hình của IPO tương tự như ENSO, các nhà khoa học đưa ra giả thuyết, chúng có một sự liên kết chặt chẽ và chỉ khác nhau ở khoảng thời gian của mỗi chu kỳ.
Chúng ta vẫn chưa có kiến thức chuẩn xác về việc liệu IPO có phải là một kiểu khí hậu cụ thể hay không? nó có phải là một sự kết hợp của những kiểu khí hậu khác nhau trong đại dương và khí quyển hay không? Tuy nhiên, IPO chắc chắn có ảnh hưởng đến sự ấm lên toàn cầu. Cụ thể, trong những năm 2.000, IPO đã khiến sự tăng nhiệt độ trên toàn cầu bị gián đoạn và giảm xuống.
Khi nói đến sự ấm lên toàn cầu, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến lượng khí thải khổng lồ gây nên hiệu ứng nhà kính, bởi tác động của cuộc cách mạng công nghiệp, khiến cả hành tinh bị nóng lên, nhưng có lẽ ít ai biết rằng, El Tío và La Tía cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến thời tiết và khí hậu từ năm này sang năm khác, từ thập niên này sang thập niên khác.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, những kiểu thời tiết của IPO là El Tío và La Tía có thể khiến nhiệt độ trên toàn hành tinh tăng lên hoặc giảm xuống tạm thời trong một giai đoạn nào đó. Lượng mưa trên thế giới cũng bị ảnh hưởng, gây ra những tác động cụ thể là lũ lụt và hạn hán ở Mỹ, Trung Quốc, Ôxtrâylia, New Zealand.
Trong giai đoạn tích cực của IPO, gọi là La Tía, nhiệt độ của Thái Bình Dương sẽ mát hơn bình thường so với những khu vực gần xích đạo và sẽ nóng hơn bình thường so với những khu vực xa xích đạo.
Từ khoảng năm 2.000, một phần nhiệt dư thừa của hiệu ứng nhà kính đã bị kẹt lại rồi vùi sâu trong lòng Thái Bình Dương, dẫn đến sự chậm đi trong việc ấm lên toàn cầu của khoảng 15 năm qua.
La Tía là một kiểu khí hậu có diễn biến tích cực, khiến sự ấm lên toàn cầu bị chững lại. Trái ngược với nó là El Tío – kiểu khí hậu khiến sự ấm lên toàn cầu tăng nhanh, như giai đoạn từ năm 1970 đến cuối những năm 1990.
Một trong những thách thức cho các nhà khoa học là phải làm rõ được tình hình khí hậu trên khắp thế giới trong vài thập niên tới. Để biết được điều này, họ đã dựng mô hình khí hậu Trái Đất trên máy tính để mô phỏng khí hậu của Trái Đất, nhưng vẫn chưa mô phỏng thực sự chính xác quá trình chuyển biến chậm của cả El Tío và La Tía.
Vì vậy, IPO là chủ đề mới cần được đem ra thảo luận và nghiên cứu trong lĩnh vực thời tiết và khí hậu những năm tới. Nó là kiểu khí hậu thực tế đang diễn ra, có thể giải thích được nhiều hiện tượng thời tiết bất thường xảy ra trên Trái Đất.
Nguyên Hằng (Theo khampha)