Ngày 25/11/2022, Trung tâm Phát triển Cộng đồng Sinh thái (ECODE) đã tổ chức hội thảo khoa học “Công tác quản lý các Khu DTSQ ở Việt Nam: Hiện trạng và định hướng trong bối cảnh mới” tại Hà Nội. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất khung hướng dẫn quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam” do GS. TSKH Trương Quang Học làm chủ nhiệm.
Mục tiêu của hội thảo là chia sẻ, cập nhật tiến độ thực hiện nhiệm vụ, thực hiện các phiên thảo luận và tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cơ quan liên quan nhằm định hướng cho các hoạt động nghiên cứu sau này. Hội thảo được tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia đến từ nhiều cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học như: Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa Dạng sinh học, Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB), Bộ Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Lâm nghiệp,…
Các đại biểu tham gia hội thảo
Mở đầu hội thảo, GS.TSKH Trương Quang Học, chủ nhiệm đề tài, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đề tài đối với sự phát triển của các khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) ở Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang có 11 khu DTSQ được UNESCO công nhận, đứng thứ hai về số lượng trong khu vực Đông Nam Á. Các khu DTSQ của Việt Nam có sự đa dạng cao và được chia thành nhiều loại (trong phạm vi một huyện, một tỉnh và liên tỉnh), sự đa dạng nay vừa là cơ hội, vừa là thách thức của các khu DTSQ. Trong đó việc chưa thống nhất được khung quản lý chung giữa các khu DTSQ hiện đang được đánh giá là một trong những khó khăn lớn nhất trong thực hiện mục tiêu phát triển và nhân rộng.
GS.TSKH Trương Quang Học phát biểu khai mạc hội thảo
Trong buổi hội thảo, các đại biểu tham gia đã trình bày, thảo luận sâu về hiện trạng công tác quản lý các khu DTSQ của Việt Nam, các cơ hội, thuận lợi và thách thức, một số kết quả nghiên cứu của đề tài về các khung quản lý khu DTSQ tại Việt Nam; thảo luận, trao đổi về việc nghiên cứu, phát triển khung quản lý cho các khu DTSQ. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, việc thực hiện nghiên cứu, hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế nằm trong khu DTSQ được là vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Bà Vũ Thục Hiền, Ủy ban Quốc gia MAB Việt Nam trình bày báo cáo tham luận
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các cơ quan, chuyên gia tham dự, Trung tâm Phát triển Cộng đồng Sinh thái – đơn vị thực hiện đề tài, cùng với các đơn vị phối hợp và các khu DTSQ sẽ nghiên cứu và phát triển đề tài nhằm xây dựng hệ thống khung quản lý khu DTSQ phù hợp với điều kiện của từng loại hình khu DTSQ, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý và phát triển của các khu DTSQ thế giới theo khuyến nghị của UNESCO, đồng thời thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.
———————————————–
Đề tài nghiên cứu: “Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất khung hướng dẫn quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam” là đề tài nghiên cứu cấp nhà nước do Trung tâm Phát triển Cộng đồng Sinh thái (ECODE) thực hiện, phối hợp cùng với Cục bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học và khu DTSQ miền Tây Nghệ An và khu DTSQ Cù Lao Chàm – Hội An. Đề tài có thời gian thực hiện từ 2021 – 2024, với mục đích góp phần xây dựng khung hướng dẫn quản lý, kế hoạch và mô hình phát triển xanh cho các Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam theo yêu cầu và hướng dẫn của UNESCO và phù hợp với điều kiện Việt Nam.