Theo Cơ quan Liên Hợp Quốc về phụ nữ, Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), biến đổi khí hậu gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến các nhóm dân cư nghèo khó, mà phụ nữ chiếm đến 70%. Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực và trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, trong đó lĩnh vực này có tới 65% là phụ nữ và chủ yếu tập trung vào canh tác quy mô nhỏ, tự cung tự cấp, phụ thuộc nhiều vào thời tiết.
Sáng ngày 9/11/2021, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (LHPN), Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) với sự hợp tác của Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ Việt Nam về biến đổi khí hậu tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề: “Phụ nữ Việt Nam tham gia hành động ứng phó biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai”. Đại diện Trung tâm Phát triển Cộng đồng Sinh thái (ECODE), bà Hoàng Thị Ngọc Hà đã tham gia Hội thảo với vai trò là Chuyên gia Biến đổi Khí hậu và Phát triển Cộng đồng.
Hội thảo mong muốn quảng bá hình ảnh và đóng góp của phụ nữ Việt Nam vào Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) và kết nối các tổ chức, cá nhân hoạt động tích cực trong lĩnh vực Giới và Biến đổi khí hậu (BĐKH) cùng chung tay thúc đẩy bình đẳng giới trong ứng phó với BĐKH. Hội thảo có sự tham gia và hỗ trợ của Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Đại sứ quán Thuỵ Điển.
Hội thảo có sự hiện diện của hơn 100 đại biểu là lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, lãnh đạo các cơ quan quốc tế, đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị cơ quan Trung ương Hội, đại diện Hội LHPN 28 tỉnh/ thành và thành viên mạng lưới các tổ chức VNGO-CC, thành viên mạng lưới Phụ nữ tiên phong thích ứng với BĐKH trên toàn quốc đã chia sẻ về những khoảng cách trong vấn đề giới ảnh hưởng tới sự tham gia của phụ nữ trong quá trình ra quyết định và đề ra những biện pháp nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong thực hiện Đóng góp Quốc gia tự Quyết định (NDC), giảm thiểu khí nhà kích và thích ứng BĐKH, rủi ro thiên tai.
Khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Minh Hương, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khẳng định: “Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là thành viên tích cực tham gia vào các chương trình quốc gia ứng phó với BĐKH, chủ động, tích cực tuyên truyền nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH cho phụ nữ góp phần GTRRTT; triển khai hiệu quả những sáng kiến, giải pháp ứng phó với BĐKH; xây dựng các mô hình sinh kế phù hợp và đóng góp xây dựng và phản biện xã hội các chính sách thúc đẩy sự tham gia hiệu quả của phụ nữ và bình đẳng giới trong ứng phó và giảm nhẹ rủi ro do tác động của BĐKH.”,
Bà Gaelle Demolis, Quyền Trưởng đại diện của UN Women tại Việt Nam cho biết: “UN Women đã, đang và sẽ tích cực hỗ trợ các cơ quan chính phủ Việt Nam cũng như các tổ chức của phụ nữ nâng cao năng lực về lồng ghép giới trong thích ứng và giảm nhẹ BĐKH, tăng cường tiếp cận của phụ nữ tới sinh kế bền vững và sinh kế thay thế để có thể chống chịu với thiên tai, thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ trong việc ra quyết định về thích ứng, giảm thiểu BĐKH, quản lý rủi ro thiên tai ở tất cả các cấp và lĩnh vực”.
Bà Đinh Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng chia sẻ: “Trung tâm sẽ cùng Mạng lưới Phụ nữ tiên phong thích ứng BĐKH tiếp tục tăng cường và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động lồng ghép Giới, BĐKH; trong đó tập trung vào chủ đề bảo vệ nguồn nước, quản lý rác thải. Tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến cộng đồng do phụ nữ khởi xướng nhằm trao quyền năng về kinh tế cho phụ nữ ở các vùng, ngành nghề dễ bị tổn thương do BĐKH và thiên tai và tăng cường tiếng nói của phụ nữ và sự tham gia của phụ nữ trong công cuộc ứng phó với BĐKH”.
Trong phiên thảo luận, bà Hoàng Hà, đại diện trung tâm ECODE điều phối một trong số các nhóm thảo luận. Nhóm thảo luận này hướng tới hai mục tiêu chính: Tăng cường sự tham gia của phụ nữ, các tổ chức, hội phụ nữ, các tổ chức, hội phụ nữ mạng lưới phụ nữ tiên phong thích ứng với BĐKH trong thực hiện NDC, ứng phó với BĐKH; Đưa ra khuyến nghị/giải pháp có thể thúc đẩy sự tham gia, hợp tác của các tổ chức phụ nữ trong thực hiện NDC, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với Biến đổi khí hậu.
Bà Hoàng Hà điều phối phiên thảo luận của nhóm 2
Cụ thể, nhóm thảo luận được bà Hoàng Hà điều phối tập trung vào hai nội dung chính. Thứ nhất, xác định các rào cản ảnh hưởng tới sự tham gia của phụ nữ trong thực hiện Đóng góp Quốc gia Tự Quyết định (NDC), các chương trình và kế hoạch về ứng phó với biến đổi khí hậu. Thứ hai, khuyến nghị (hoặc biện pháp) có thể tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong thực hiện Đóng góp Quốc gia Tự Quyết định (NDC), các chương trình và kế hoạch về ứng phó với biến đổi khí hậu. Phần thảo luận này tập trung vào chủ đề công cụ kỹ thuật, chính sách.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng tập trung thảo luận về việc xây dựng các chương trình tăng cường năng lực về kỹ thuật cho các tổ chức phụ nữ, phụ nữ cộng đồng, nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số về thích ứng biến đổi khí hậu; nghiên cứu các công cụ khoa học để giúp đánh giá các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và môi trường; tìm kiếm và chia sẻ các chương trình, nguồn lực tài chính tới các đơn vị cơ sở, tổ chức cộng đồng để lan tỏa các sáng kiến về giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu do phụ nữ khởi xướng.
Hình ảnh các chuyên gia tại Hội thảo
COP26 là viết tắt của Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu. Hội nghị COP 26 được tổ chức từ 31/10 đến 12/11/2021 tại Glasgow, Scotland, muộn hơn một năm so với kế hoạch ban đầu do sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Tại hội nghị COP 26, Báo cáo đánh giá biến đổi khí hậu lần thứ 6 của Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đánh giá nếu thế giới có hành động quyết liệt với việc giảm phát thải ngay lập tức, nhanh chóng và trên quy mô lớn, gia tăng nhiệt độ toàn cầu có thể được giới hạn ở mức 1,5°C vào cuối thế kỷ 21. Do vậy, các cuộc đàm phán trong khuôn khổ COP26 tổ chức tại Glasgow được kỳ vọng là thời điểm để các nhà lãnh đạo trên thế giới tăng các cam kết nhằm giảm phát thải khí nhà kính để đạt mục tiêu giữ nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,5 độ C. Trong đó, giới và biến đổi khí hậu (BĐKH) là nội dung xuyên suốt trong chương trình nghị sự của COP19 vào năm 2013 đến nay. COP25 năm 2019 tại Tây Ban Nha đã thông qua chương trình làm việc Lima 05 năm nâng cao về bình đẳng giới và kế hoạch hành động về giới. Bình đẳng giới là điều kiện cần thiết cho các quốc gia thực hiện Kế hoạch thích ứng quốc gia (NAP) và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của mình. Đây là cơ hội cho các quốc gia có đóng góp sáng kiến, ý tưởng nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ trong ứng phó với BĐKH và giảm thiểu rủi ro thiên tai. |