Để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng trong mùa hạn, tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động chuyển đổi cây trồng phù hợp mùa khô |
Tăng cường chống hạn cho cây trồng
Với dự báo hạn hán khắc nghiệt hơn năm ngoái, năm nay tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều biện pháp nhằm đảm bảo đủ nước tưới cho cây trồng, không để người dân mất mùa vì thiếu nước.
Theo đó, bên cạnh việc chuyển đổi cây trồng phù hợp đất khô, cần ít nước tưới, tỉnh Quảng Ngãi cũng khoanh vùng những khu vực có đủ điều kiện để trồng trọt trong mùa khô hạn. Với những khu vực được khoanh vùng tỉnh sẽ đảm bảo lượng nước tưới cho bà con trong mùa khô, tránh tình trạng trồng đại trà nhưng mất trắng vì thiếu nước. Nhưng đồng thời cũng tránh tình trạng đất hoang vì hạn, tỉnh Quảng Ngãi đã nghiên cứu các loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng, có tính chịu hạn và giá trị kinh tế cao để người dân có thể trồng trong mùa khô hạn.
Tiêu biểu như ở Bình Sơn, mấy năm gần đây, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích lúa sang cây trồng cạn như hoa màu, mang lại giá trị kinh tế cao. Việc chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây ớt, đậu, ngô và các loại rau màu khác trong vụ hè thu đã giúp người nông dân tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích và giải quyết được bài toán thiếu nước tưới trong sản xuất.
Ngoài ra, tỉnh cũng hướng dẫn các địa phương, đơn vị có biện pháp quản lý, sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm, phù hợp với cơ cấu cây trồng và khả năng nguồn nước trong năm 2017. Các địa phương thường xuyên theo dõi tình hình hạn hán, nguồn nước dự trữ ở các hồ để báo về cho UBND tỉnh để tỉnh có hướng điều chỉnh phù hợp.
Chỉ đạo các địa phương ra quân nạo vét kênh, mương, đắp kè dẫn nước vào từng thửa ruộng để tránh lãng phí nước tưới. Tỉnh Quảng Ngãi cũng đang đầu tư sửa chữa các hạng mục công trình phục vụ chống hạn lâu dài.
Phối hợp cùng các nhà máy thủy điện
Ngoài các giải pháp trên, năm nay tỉnh Quảng Ngãi phối hợp cùng các nhà máy thủy điện với mục tiêu xả nước là chính, phát điện là phụ nhằm cung cấp nguồn nước cho người dân trong mùa khô.
Tỉnh Quảng Ngãi phối hợp cùng thủy điện với mục tiêu xả nước là chính, phát điện là phụ nhằm cung cấp nguồn nước cho người dân trong mùa khô |
Quảng Ngãi có 6 thủy điện đã đi vào vận hành, khai thác tuy nhiên, chỉ có 3 thủy điện là Hà Nang, Nước Trong và Đắkđrinh là có hồ chứa. Các hồ chứa thủy điện có chức năng ngoài việc đảm bảo nguồn năng lượng phát điện, còn cắt lũ, điều tiết nước cho vùng hạ du chống hạn. Tuy nhiên, từng lúc, từng nơi việc thực hiện vai trò, chức năng trên của các thủy điện chưa đảm bảo. Còn xảy ra tình trạng lũ thì xả thêm nước, hạn hán thì lại chưa chia sẻ nước về hạ du để cứu lúa, hoa màu.
Tại Hội nghị đánh giá vận hành an toàn, hiệu quả công trình thủy điện, Bộ Công thương chỉ đạo các thủy điện của Quảng Ngãi phải loại bỏ bớt lợi ích phát điện, để duy trì dòng chảy sông suối, phục vụ nước sinh hoạt, nước tưới cho hạ du.
Theo đó, Sở Công thương phối hợp với các ngành liên quan, chính quyền địa phương đã cụ thể hóa nhiệm vụ cứu hạn để các thủy điện cùng tham gia. Trong đó quy định rõ, trường hợp nào phải xả nước để góp sức chống hạn.
Được biết, mấy năm gần đây lượng nước về hồ chứa thủy điện ít do mưa ít, nắng hạn kéo dài, nên việc xả nước chống hạn của thủy điện hạn chế. Năm nay, có thuận lợi hơn, mực nước trong hồ đến thời điểm này vẫn còn xấp xỉ cao trình 410m nên việc chống hạn sẽ hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, có thể lúc hạn ít thì yêu cầu thủy điện xả nhiều, trong khi nước trong hồ cạn kiệt, không thể điều tiết nước cho hạ du đúng yêu cầu chống hạn, gây khó khăn cho cả thủy điện và cuộc sống, sản xuất của người dân. Để các hồ chứa điều tiết xả nước có hiệu quả, các đơn vị vận hành hồ chứa cần biết chính xác nhu cầu lượng nước, thời gian lấy nước của mỗi địa phương trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần điều tra, khảo sát sau đó xây dựng biểu đồ điều tiết nước hồ chứa.
Ngoài ra, để từng lúc, từng nơi các thủy điện xả nước kịp thời các công tác chỉ đạo thực hiện cần phải đồng bộ, chặt chẽ hơn, đảm bảo giảm bớt căng thẳng hạn hán, giúp bảo vệ mùa màng, cuộc sống bình thường của người dân vùng hạ du.
Bài & ảnh: Yến Nhi