Khóa tập huấn là hoạt động thuộc hợp phần 3 – “Thông tin dữ liệu rủi ro thiên tai”, dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ khí hậu xanh tài trợ, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đã hợp tác với Trung tâm Phát triển Cộng đồng sinh thái (ECODE) xây dựng Gói Thông tin rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu tại 7 tỉnh ven biển Việt Nam, hoạt động này nhằm tăng cường lồng ghép biến đổi khí hậu vào quá trình lập kế hoạch ở địa phương.
Khóa tập huấn có sự tham gia của 30 đại biểu. Thành phần đại biểu gồm có 15 giảng viên quản lý rủi ro thiên tai – dựa vào cộng đồng; 2 đại biểu thuộc ban quản lý dự án Ô; 2 đại biểu thuộc Vụ Thiên tai cộng đồng; 3 đại biểu đến từ UNDP; 3 đại biểu đến từ Vụ Kinh tế – Nông nghiệp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2 đại biểu đến từ Trung tâm PEAPROS; 2 đại biểu Trung tâm CRD và 4 đại biểu đến từ Trung tâm ECODE.
Hình ảnh một số đại biểu tham gia khóa tập huấn
Mở đầu ngày 19/11/2021, ông Vũ Thái Trường, đại diện dự án UNDP phát biểu khai mạc, giới thiệu đại biểu và trình bày về mục tiêu của khóa tập huấn. Cụ thể, khóa tập huấn hướng đến hai mục tiêu chính: Cập nhật kiến thức mới về rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu (BĐKH) tại các tỉnh ven biển Việt Nam và áp dụng Gói thông tin rủi ro của dự án GCF trong điều kiện địa phương; và Thúc đẩy hoạt động tập huấn, truyền thông và thực hiện lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu vào lập kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội địa phương theo Đề án 553/QĐ-TTg.
Ông Vũ Thái Trường, UNDP, đại diện dự án phát biểu khai mạc
Đề cập đến mục tiêu của lồng ghép rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội, ông Khusrav Sharifov cho rằng cần lồng ghép các biện pháp phòng, chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội, cần đảm bảo rằng quá trình phát triển không tạo thêm rủi ro. Hoạt động lồng ghép được kỳ vọng tạo ra kết quả về mặt kiến thức, chính sách, năng lực cho các cơ quan đầu mối và các bên liên quan giữ vai trò tham vấn.
Chuyên gia Khusrav Sharifov, UNDP
Về giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, GS.TSKH Trương Quang Học đưa ra giải pháp chung liên quan đến cơ sở pháp lý, góc độ quy hoạch, thiết kế công trình, công nghệ vật liệu và giải pháp xanh như tăng độ che phủ của cây xanh và thảm thực vật trên mặt đất; kiến tạo mái nhà xanh; sơn trắng các tòa nhà; làm mặt đường, vỉa hè sáng sủa, thấm nước. Theo giáo sư, để giải quyết các thách thức trong phát triển xã hội, cần hướng đến giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế – xã hội: sinh kế chống chịu và bền vững, bảo vệ sức khỏe con người, đời sống tinh thần và bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.
GS.TSKH Trương Quang Học
Theo ông Nguyễn Huỳnh Quang, Phó Vụ trưởng, Vụ Quản lý thiên tai cộng đồng, Tổng cục Phòng, chống thiên tai, một số vấn đề đặt ra về sự hiểu biết giảm nhẹ rủi ro thiên tai còn tồn tại là ý thức về lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch một số đơn vị còn chưa được chú trọng, đúng mức; đối với ngành giáo dục, việc lồng ghép, tích hợp kiến thức phòng, chống thiên tai vào các môn học, trang thiết bị hỗ trợ giảng dạy kiến thức về phòng, chống thiên tai và kế hoạch chuyên môn của các tổ chuyên môn còn hạn chế. Với vai trò là đại diện cho Tổng cục Phòng, chống thiên tai, ông bày tỏ mong muốn đối với các tổ chức quốc tế, phi chính phủ về sự phối hợp, sẻ chia bài học kinh nghiệm, hỗ trợ các hoạt động tăng cường năng lực; đối với giảng viên về sự phát triển đội ngũ giảng viên, tạo mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật và thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách mới, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Huỳnh Quang, Phó Vụ trưởng, Vụ Quản lý thiên tai cộng đồng, Tổng cục Phòng, chống thiên tai
Cũng trong khóa tập huấn, chuyên gia Vũ Ngọc Dũng đã làm rõ khái niệm truyền thông, đối tượng truyền thông, các công cụ/tài liệu và kênh truyền thông có thể sử dụng, hướng tới ứng dụng các phương pháp truyền thông cộng đồng cho tập huấn truyền thông về ryủ ri thiên tai, biến đổi khí hậu. Ngoài ra, các giảng viên tham gia khóa tập huấn được thực hành công cụ truyền thông thông qua các ví dụ, cách làm phim, cách sử dụng ảnh.
Chuyên gia Vũ Ngọc Dũng trình bày
Chia sẻ từ thực tế thí điểm lập kế hoạch có lồng ghép tại tỉnh dự án GCF (tỉnh Nam Định), ông Hoàng Quang Tuyến, UBND huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định chia sẻ rằng mỗi địa phương tại đây đều có kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trên thực tế, các yếu tố như biến đổi khí hậu, thiên tai, thời tiết bất thường tác động đến các hoạt động địa phương thường ít hoặc không được đề cập đến trong báo cáo dù các yếu tố này có thể gây ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, hoặc nặng nề hơn là phá vỡ những thành quả đã được địa phương xây dựng và gìn giữ lâu nay. Vì vậy, ông cho rằng việc lồng ghép các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đảm bảo tính phát triển bền vững trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch. Không chỉ vậy, việc thực hiện lồng ghép này phải được thực hiện qua sự phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực và có sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức, ban ngành liên quan.
Anh Hoàng Quang Tuyến, đại diện UBND huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định
Đặc biệt, trong buổi tập huấn thứ hai, các giảng viên đã có phần thảo luận nhóm về “Ứng dụng lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu trong thực tiễn tập huấn dự án GCF và lập kế hoạch tại các địa phương”.
Một số giảng viên tham gia thảo luận
Thông qua phần thảo luận, các anh, chị tham gia khóa tập huấn đã chỉ ra những khó khăn, rào cản khi thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu ở các cấp địa phương và đưa ra được các đề xuất mang tính toàn diện như sự vào cuộc của cấp Ủy, Đảng, cần đưa nội dung lồng ghép phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu vào Nghị quyết; sự rõ ràng, rành mạch trong phương pháp nhằm hiện thực hóa chương trình lồng ghép,… Các anh, chị tham gia tập huấn cùng nhau đề xuất về thời gian, nội dung của các vấn đề được triển khai trong các khóa tập huấn tại cấp xã. Trên cơ sở đó, dự án có thể quyết định và đưa vào thực tế khi tổ chức tập huấn tại địa phương.