Ngày 5/1/2017, Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho biết năm 2016 đã vượt qua năm 2015 để thiết lập kỷ lục là năm nóng nhất kể từ khi nhân loại bắt đầu lưu giữ các hồ sơ đáng tin cậy về nền nhiệt trên Trái Đất. Nhiệt độ trung bình trên bề mặt Trái Đất năm 2016 cao hơn năm 2015 khoảng 0,2 độ C, ở mức 14,8 độ C, tức là cao hơn 1,3 độ C so với giai đoạn trước cuộc Cách mạng công nghiệp. So với thỏa thuận chống biến đổi khí hậu đạt được tại Paris năm 2015 với đề xuất hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp thì con số 1,3 độ C được xem là đã sát ngưỡng nguy hiểm.
2016 là năm nóng nhất trong lịch sử. (Nguồn: Emaze) |
Theo Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus, ngoài nguyên nhân từ các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính được xả vào bầu khí quyển do hoạt động tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, nhiệt độ Trái Đất năm 2016 cũng chịu tác động của hiện tượng thời tiết El Nino tại Thái Bình Dương.
Bắc Cực là khu vực chứng kiến sự tăng nhiệt độ rõ nét nhất trong năm 2016, trong khi nhiều khu vực khác trên Trái Đất, như các vùng thuộc châu Phi và châu Á, cũng hứng chịu nền nhiệt cao bất thường. Trong khi một số vùng thuộc Nam Mỹ và Nam Cực lại có nhiệt độ thấp hơn giai đoạn trước đó. Chỉ riêng trong tháng 2/2016, nhiệt độ Trái Đất đã tăng 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp. Nhiệt độ tăng cao trong năm qua được cho là nguyên nhân gây ra cháy rừng, nắng nóng, hạn hán, lũ lụt và những hiện tượng thời tiết cực đoan khác.
Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus cho biết cơ quan này có thể đưa ra những dữ liệu sớm nhất về nhiệt độ năm 2016 bằng cách tổng hợp kết quả quan sát từ các trạm theo dõi nhiệt độ và dữ liệu vệ tinh vốn được dùng để dự báo thời tiết. Trong khi đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên hợp quốc, cơ quan phụ trách chính về theo dõi nhiệt độ toàn cầu, thường công bố kết quả nghiên cứu chậm hơn vài tuần vì phải tổng hợp số liệu đo đạc từ các nguồn khác như tàu, phao và khí cầu khí tượng. Kết quả nghiên cứu của hai cơ quan này được dự báo là “khá tương đồng” mặc dù có thời điểm công bố khác nhau.
Hậu quả của biến đổi khí hậu
Theo các nhà khoa học, nhiệt độ Trái Đất liên tục tăng lên là hậu quả của một quá trình tích lũy lâu dài của khí nhà kính, chủ yếu là CO2 và metan. Những khí này khi được thải vào bầu khí quyển sẽ giữ hơi nóng của ánh Mặt Trời bên trong bầu khí quyển, làm cho nhiệt độ Trái Đất tăng lên khiến khí hậu trên toàn cầu bị biến đổi.
Biến đổi khí hậu đã và đang làm ảnh hưởng đến các hệ sinh thái trên Trái Đất khiến các hệ sinh thái bị phá hủy, làm thiếu hụt nguồn nước ngọt, không khí bị ô nhiễm nặng, năng lượng và nhiên liệu khan hiếm…
Người dân tắm biển ở Brighton, hạt Đông Sussex, Vương quốc Anh. Đây cũng là hình ảnh thường thấy của người dân Anh trong những ngày nắng nóng. (Nguồn: PA) |
Biến đổi khí hậu làm mất đa dạng sinh học khi nhiệt độ Trái Đất tăng cao khiến các loài sinh vật biến mất hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Theo thống kê, khoảng 50% các loài động thực vật sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2050 nếu nhiệt độ Trái Đất tăng thêm từ 1,1 đến 6,4 độ C nữa. Sự mất mát này là do mất môi trường sống vì đất bị hoang hóa, do nạn phá rừng và do nước biển ấm lên. Không chỉ có vậy, tình trạng đất hoang hóa và mực nước biển đang dâng lên cũng đe dọa đến nơi cư trú của con người. Vì khi cây cỏ và động vật bị mất đi cũng đồng nghĩa với việc nguồn lương thực, nhiên liệu và thu nhập của con người cũng mất đi.
Biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân gây ra chiến tranh và xung đột. Có thể thấy, biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ Trái Đất nóng lên đã dần làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên khiến lương thực và nước ngọt đang ngày càng khan hiếm, đất đai cũng dần biến mất nhưng dân số cứ tiếp tục tăng. Đây là những yếu tố gây xung đột và chiến tranh giữa các nước và vùng lãnh thổ. Điển hình cho hiện tượng này là ở cuộc xung đột ở Darfur (Sudan), xảy ra trong một đợt hạn hán kéo dài. Suốt 20 năm vùng này chỉ có một lượng mưa nhỏ giọt và thậm chí nhiều năm không có mưa, làm nhiệt độ tăng cao. Theo phân tích của các chuyên gia, các quốc gia thường xuyên bị khan hiếm nước và mùa màng thất bát thường rất bất ổn về an ninh.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng gây thiệt hại về kinh tế. Chính phủ các nước phải đối mặt với việc các cơn bão và lũ lớn làm mùa màng thất thu, gây thiệt hại hàng tỷ USD và để dọn dẹp đống đổ nát, khống chế dịch bệnh phát tán sau mỗi cơn bão lũ cũng cần một số tiền lớn. Trong khi đó, lợi nhuận từ các ngành du lịch và công nghiệp bị giảm sút đáng kể. Những thiệt hại về kinh tế cũng ảnh hưởng đến đời sống người dân khi người dân phải chịu giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao. LHQ từng cảnh báo, nhiệt độ gia tăng do biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại hơn 2.000 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030.
Biến đổi khí hậu đã khiến cho tỉnh Sindh (Pakistan) phải trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng, tạo ra các vết nứt rộng trên đất khô cằn đến nỗi khiến cây cối không thể mọc. (Ảnh: Rizwan Dharejo) |
Biến đổi khí hậu còn gây ra dịch bệnh, đe dọa mạng sống con người. Nhiệt độ tăng cùng với lũ lụt và hạn hán đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loài vật truyền nhiễm như muỗi, chuột,… sinh sôi nảy nở, truyền bệnh gây nguy hại đến sức khỏe con người. Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra báo cáo cho biết các dịch bệnh nguy hiểm đang lan tràn ở nhiều nơi trên thế giới hơn bao giờ hết. Những vùng trước kia có khí hậu lạnh giờ đây cũng xuất hiện các loại bệnh nhiệt đới. Hàng năm có khoảng 150.000 người thiệt mạng do các bệnh liên quan đến biến đổi khí hậu, từ bệnh tim do nhiệt độ tăng quá cao, đến các vấn đề hô hấp và tiêu chảy.
Theo ước tính của LHQ, từ nay đến năm 2050, sẽ có khoảng 150 triệu người phải rời bỏ nơi sinh sống do biến đổi khí hậu gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, nắng nóng gay gắt, các núi băng và sông băng thu hẹp, mực nước biển dâng cao… Việc nhiều người phải rời bỏ nơi sinh sống sẽ kéo theo tình trạng di cư cao, ảnh hưởng đến an ninh của các quốc gia.
Tóm lại, việc ứng phó với các tác động do biến đổi khí hậu gây ra đang trở thành thách thức mang tính toàn cầu. Chính vì vậy, việc hợp tác giữa các nước để hạn chế sự thay đổi của thời tiết cũng như ảnh hưởng của nó đến đời sống con người phải được xem là ưu tiên hàng đầu.