Đây là kết quả nghiên cứu của 50 chuyên gia hàng đầu trên khắp thế giới.
Nghiên cứu của WFC cho rằng các chính sách đã không chú ý đúng mức đến hệ sinh thái hiện nay là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các cuộc khủng hoảng trong nhiều lĩnh vực và tàn phá các hệ sinh thái hỗ trợ sự sống trên Trái Đất, đe dọa không chỉ các thế hệ tương lai mà ngay chính thế hệ hiện nay.
Các chính sách hiện hành của nhiều nước trên thế giới đã làm lợi cho 3.000 công ty xuyên quốc gia lớn nhất thế giới hơn 2.200 tỷ USD do không phải trả giá cho các tác động đến môi trường tự nhiên.
Hậu quả không thể lường trước được của các chính sách này là biến đổi khí hậu, sa mạc hóa, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm các đại dương, rừng bị tàn phá. Nhân loại đang sống trong tình trạng khẩn cấp của Trái Đất và có nguy cơ phải hứng chịu những hậu quả không thể hình dung được.
WFC nhấn mạnh chương trình nghị sự gồm 24 chính sách là công cụ quan trọng nhất để nhân loại có thể tránh được nguy cơ này. 24 chính sách này là phương thức tốt nhất để chuyển nhanh hệ năng lượng toàn cầu hiện nay sang hệ năng lượng tái sinh, điều chỉnh các công cụ tài chính, đảm bảo hệ sinh thái bền vững, thúc đẩy các cơ hội giáo dục bình đẳng cho phụ nữ và loại trừ vũ khí hạt nhân.
Các chính sách này cũng yêu cầu nhiều nhà chính trị, kinh tế, và quan chức chính phủ phải trắc nghiệm về những tri thức liên quan đến hệ sinh thái. Tìm hiểu về hệ sinh thái phải trở thành nhu cầu luật pháp và nền tảng tối thiểu của giáo dục để mọi người hiểu rõ những hiểm họa liên quan đến sinh thái.
Theo tính toán của WFC, để thúc đẩy chương trình nghị sự gồm 24 chính sách này, thế giới cần chi phí khoảng 100 tỷ USD.
Điều có tầm quan trọng sống còn là tìm kiếm các đối tác, ý chí của các chính phủ, các tổ chức liên chính phủ và xã hội dân sự, giới học giả, giới truyền thông và các tổ chức của thanh niên sẽ thực hiện chương trình chính sách này.
WFC đề nghị chương trình giáo dục công kéo dài 5 năm để nâng cao nhận thức toàn cầu về các thực tiễn khắc nghiệt trong tình trạng khẩn cấp của Trái Đất, các lựa chọn mà con người phải quyết định để huy động sự ủng hộ cần thiết cho những thay đổi chính sách.
Để khẳng định hiệu quả của các chính sách mới, WFC nêu rõ chính sách hải quan được Chính phủ Đức ban hành năm 2000 đã dẫn đến cuộc cách mạng về năng lượng tái sinh giúp thị phần của năng lượng tái sinh hiện đã chiếm tới 22% tổng sản lượng điện của nước này, đồng thời tạo ra khu vực kinh tế có số việc làm mới nhiều hơn cả ngành công nghiệp ôtô của Đức./.
Nguồn: TTXVN