Skip to content
ta-canh-dong-que-em-vao-buoi-sang

Điều phi lý ở “vương quốc” lúa gạo

Hiện Việt Nam đang xuất khẩu với giá xấp xỉ 400 – 420 USD/tấn gạo, quy ra tiền Việt khoảng 10 – 12.000VN/kg. Nhưng người Việt đi mua gạo là 16 – 20.000VND/kg.
Tuần Việt Nam tiếp tục cuộc trò chuyện với PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ).

Hoàng Hường:Qua trò chuyện với các nhà khoa học, tôi có thể hiểu TQ cũng không đủ lượng nước để xả như chúng ta trông đợi  có đúng không?

Ông Lê Anh Tuấn: Chính xác! Tôi nghiên cứu và giảng dạy thuỷ văn sông Mekong đã hơn 30 năm. Hiện nay toàn vùng ven biển (chiếm một nửa diện tích ĐBSCL) bị nhiễm mặn. Bây giờ muốn diện tích nhiễm  mặn đó giảm một nửa ít nhất phải cần trên 10.000 m3/giây mới có cơ may đẩy mặn xuống còn chừng 25% diện tích. Không lấy đâu ra lượng nước lớn như vậy trong lúc này.

Nếu ai học về thuỷ điện đều biết, các đập nước bao giờ cũng có một lớp dung tích chết và dung tích vận hành. Ta chỉ khai thác được phần dung tích hoạt động, dung tích chết thì không. Dung tích hoạt động của đập Cảnh Hồng của Trung Quốc chứa 249 triệu m3. Đặt giả thiết lý tưởng nếu hồ này đang đầy nước hoàn toàn (đầu này khó có trong tình trạng khô hạn hiện nay), thì lấy tổng số nước hoạt động chia ra cho lưu lượng xả thì được khoảng 30 giờ là hết nước.

Vậy nhưng, hiện TQ đang loan báo trên các diễn đàn truyền thông về việc “cứu hạn cho ĐBSCL của Việt Nam”.  Họ công khai nói: “chỉ có TQ giúp VN chứ Mỹ, Nhật hay nước khác đâu giúp được”.

Khi xem xét các số liệu thuỷ văn từ trạm Chiang Sean đến Tân Châu và Châu Đốc cho thấy, lượng nước TQ xả ra mọi năm so với lượng nước sau khi họ tuyên bố “cứu hạn ĐBSCL”, tức là mực nước xả sau ngày 15/3/2016 và mực nước xả ra trong năm 2015 là không khác nhau, thậm chí lưu lượng nước trung bình xả năm 2016 còn thấp hơn năm 2015. Những số liệu này tôi lấy trực tiếp từ trạm đo của Uỷ ban sông Mekong.

Do là đập thuỷ điện, nên  lượng nước xả ra phải đảm bảo yêu cầu phát điện. Thông thường, TQ xả nước nhiều hơn trong những ngày lạnh. Khi khí hậu Miền Bắc trở lên trên lạnh hơn, thì lượng nước sông Mekong cũng không nhiều hơn. Do nhu cầu dùng điện ở TQ trong những ngày lạnh thường cao hơn, nên họ xả nước nhiều hơn.

Nhìn lại toàn bộ câu chuyện hạn – mặn này không khó để thấy chính thuỷ điện đã làm tình trạng thời tiết cực đoan trở nên nghiêm trọng.

Hoàng Hường:Biển hồ Tonle Sap được cho là vựa cá nước ngọt trong khu vực và trên thế giới. Nếu Campuchia đầu tư xây dựng một cái cống ở cửa sông và đóng lại vào mùa khô để ngăn không cho nước trong lòng hồ chảy xuống hạ lưu nữa thì chuyện gì sẽ xảy ra cho khu vực ĐBSCL?

Ông Lê Anh Tuấn: Tôi biết Campuchia có một dự án kiểm soát nước ở Biển Hồ, nhưng vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, phân tích.

Nhiều nhà khoa học cho rằng dự án đó “lợi bất cập hại”. Thứ nhất, kiểm soát nước sông Mekong là điều phức tạp, đòi hỏi phải là một công trình cực kỳ quy mô và tốn kém. Đập nước nếu có trên Tongle Sap sẽ khiến toàn bộ hệ sinh thái tự nhiên bị ảnh hưởng. Nước chảy ra-vào Biển Hồ như một lá phổi, được thay lọc tự nhiên; giờ chặn lại thì lượng cá di cư biến mất, hệ thống nước thay đổi. Vậy nên, nếu họ làm vậy, họ sẽ bị thiệt hại trước tiên, nên lo ngại này rất khó xảy ra.

Hoàng Hường:Ở khu vực phía Nam, chúng ta đã và đang triển khai hệ thống đê bao biển lớn. Ông đánh giá hiệu quả của hệ thống này thế nào?

Ông Lê Anh Tuấn: Tôi nghiêng về biện pháp phi công trình hơn. Hệ thống đê bao để mục đích cuối cùng là gì? Là sản xuất lương thực, ở đây chủ yếu là lúa. Mục tiêu là xoá đói và thành nước xuất khẩu lương thực lớn trên thế giới. Điều nay hợp lý trong thời kỳ đói khổ trong những thập niên 1980-1990.

Ta đặt ra chiến lược như vậy, trước khi trả lời để đạt được mục tiêu đó ta phải trả giá những gì? Thứ nhất, năng suất ở các vùng tăng 3 vụ sau nhiều năm không tăng bao nhiêu mà nông dân phải gia tăng dùng phân bón và nông dược. Lượng lúa tiêu thụ trên thế giới tương đối ổn định. Thứ hai, liên tục phụ thuộc vào hạt lúa, nông dân vẫn mãi nghèo và nợ nần. Những vùng trồng lúa thâm canh 3 vụ trở nên ô nhiễm nghiêm trọng do  lượng hoá chất sử dụng cho nông nghiệp ngày càng nhiều.

Nông dân ĐBSCL hiện đang “bao cấp” lương thực cho cả thế giới. Hiện ta đang xuất khẩu gạo với giá xấp xỉ 400 – 420 USD/tấn gạo, quy ra tiền Việt khoảng 10 – 12.000VN/kg. Nhưng người Việt đi mua gạo là 16 – 20.000VND/kg. Một nghịch lý là đồ xuất khẩu rẻ hơn đồ nội địa. Phần chênh lệch thua thiệt ai chịu? Nông dân chịu. Thương nhân mua lúa phải ép giá nông dân để xuất khẩu giá rẻ, trong khi nông dân phải mua vật tư sản xuất và tiêu dùng giá cao. Điều này cực phi lý cho một quốc gia hàng đầu về sản xuất lúa gạo.

Thứ hai, một phần lớn lượng gạo xuất khẩu đều qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Nhiều người nói như vậy TQ giúp nông dân VN bán sản phẩm, nhưng TQ mua với giá rẻ. Nông dân không được lợi trong chuyện này, thậm chí việc mua bán hai chiều với TQ, bán nông sản giá rẻ mua hàng chất lượng kém của TQ về xài.

Mặt khác, nông sản ĐBSCL được chở trên một lộ trình dài ra biên giới phía bắc để xuất khẩu, chi phí và các loại phí trong ngoài lề lớn, các nhà buôn thường phải chở quá tải để bù lại, dẫn đến đường xá xuống cấp nhanh chóng, và rủi ro nhiều mặt. Chúng ta đã có nhiều câu chuyện kiểu dưa hấu, nông sản lên biên giới không xuất khẩu được, phải đổ bỏ.

Ngay khi tất cả đều suôn sẻ, tài xế cũng không thể chạy xe không về. Họ lại chở hàng Trung Quốc giá rẻ, hoá chất hay thực phẩm kém chất lượng và độc hại về tiêu thụ, cứ luẩn quẩn như thế. Nông dân làm lúa được lời chút ít, nhưng cái lời đó chưa tính chi phí những thiệt hại xã hội – môi trường và nhiều thứ khác. Trên thực tế là mình đang lỗ.

Hoàng Hường:Từ những khó khăn trong thực tiễn, giáo sư Võ Tòng Xuân trong một cuộc trò chuyện trên Tuần Việt Nam đã đề xuất chuyển từ lúa sang con tôm. Quan điểm của ông thế nào?

Ông Lê Anh Tuấn: Quan điểm của tôi là tuỳ vùng sinh thái để phát triển nông nghiệp hay nuôi trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên với sự hỗ trợ công trình ở quy mô vừa phải một cách khôn ngoan.

ĐBSCL được chia thành ba vùng sinh thái: khu vực Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên và vùng giữa sông Tiến và sông Hậu phía An Giang và Đồng Tháp là vùng nước ngọt quanh năm. Hiện tượng thời tiết cực đoan này chưa ảnh hưởng đến vùng đó, nên vẫn tiếp tục sản xuất lúa gạo.

Sản lượng gạo của ĐBSCL rất cao. Không có nơi nào trên thế giới có thể sản xuất được hơn 7 triệu tấn lúa chỉ trong vòng 100 – 110 ngày như ở đây. Ngay cả khi một vài vùng ở ĐBSCL chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thì vấn đề bảo đảm lương thực cũng không thay đổi nhiều. Thái Lan hiện nay cũng không chủ trương giảm diện tích trồng lúa, không chạy đua xuất khẩu mặt hàng này nữa, vì họ nhận ra cách này không hiệu quả.

Kế tiếp là vùng nước lợ có thể phát triển mô hình lúa – tôm xen canh. Thay vì thâm canh ba vụ lúa, giờ chỉ trồng 1 – 2 vụ lúa trong mùa mưa, rồi nuôi tôm vào mùa khô.

Vùng đã bị xâm nhập mặn nặng thì dù ta cố gắng ngăn chặn cách nào cũng không hiệu quả. Cố trồng lúa thì năng suất không cao hoặc mất trắng. Vùng này nên chuyển hẳn sang mô hình khác như rừng – tôm và khôi phục lại các khu rừng ngập mặn quý giá ven biển. Giá trị sinh thái rừng ngập mặn rất lớn và bền vững.

Hệ sinh học ở ĐBSCL cực kỳ đa dạng. Ngay con tôm cũng có đủ loại để thích nghi với những vùng nước ngọt, lợ, mặn khác nhau.

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Bài viết cùng chuyên mục

Xây dựng Khung hướng dẫn quản lý chung cho các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam
Hiện Việt Nam đang xuất khẩu với giá xấp xỉ 400 – 420 USD/tấn gạo, quy ra tiền Việt khoảng 10 – 12.000VN/kg. Nhưng người Việt đi mua gạo là 16 – 20.000VND/kg.
“Thế giới cần đến khoa học, khoa học cần đến phụ nữ” – UNESCO (2015)
Hiện Việt Nam đang xuất khẩu với giá xấp xỉ 400 – 420 USD/tấn gạo, quy ra tiền Việt khoảng 10 – 12.000VN/kg. Nhưng người Việt đi mua gạo là 16 – 20.000VND/kg.
ĐÔ THỊ VEN BIỂN TRƯỚC TÁC ĐỘNG CỦA THIÊN TAI, BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Hiện Việt Nam đang xuất khẩu với giá xấp xỉ 400 – 420 USD/tấn gạo, quy ra tiền Việt khoảng 10 – 12.000VN/kg. Nhưng người Việt đi mua gạo là 16 – 20.000VND/kg.
Nhựa nano – Có phải là một vấn đề đang bị đánh giá thấp?
Hiện Việt Nam đang xuất khẩu với giá xấp xỉ 400 – 420 USD/tấn gạo, quy ra tiền Việt khoảng 10 – 12.000VN/kg. Nhưng người Việt đi mua gạo là 16 – 20.000VND/kg.
24 chính sách khẩn cấp để bảo vệ các hệ sinh thái
Hiện Việt Nam đang xuất khẩu với giá xấp xỉ 400 – 420 USD/tấn gạo, quy ra tiền Việt khoảng 10 – 12.000VN/kg. Nhưng người Việt đi mua gạo là 16 – 20.000VND/kg.
Đại dương cũng thải ra khí nhà kính
Hiện Việt Nam đang xuất khẩu với giá xấp xỉ 400 – 420 USD/tấn gạo, quy ra tiền Việt khoảng 10 – 12.000VN/kg. Nhưng người Việt đi mua gạo là 16 – 20.000VND/kg.

© 2022 TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN CỘNG ĐỒNG SINH THÁI