Tại cuộc họp khởi động, ông Đỗ Mạnh Hùng, Quản đốc Dự án đã giới thiệu đôi nét về dự án GCF và các hoạt động của Hợp phần 3 – Thông tin dữ liệu và rủi ro thiên tai.
Dự án GCF do UNDP phối hợp với Tổng cục Phòng chống thiên tai triển khai thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và đóng góp trực tiếp cho các nỗ lực giảm thiểu rủi ro ở địa phương. Tóm tắt kết quả tập huấn QLRRTT-DVCĐ giai đoạn 2018 – 2020 và kế hoạch làm việc 2021, bà Thái Minh Hương – Điều phối viên Ban quản lý dự án trung ương cho biết, gia đoạn 2018 – 2020, dự án đã tổ chức được 30 lớp TOT cấp tỉnh và cấp trung ương, thu hút 44.901 cán bộ xã và người dân tham gia tập huấn về RRTT và BĐKH dựa vào cộng đồng.
Đại diện của Tổng cục Phòng chống thiên tai và đại biểu các tỉnh cũng trao đổi về Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai DVCĐ đến năm 2030”(Gọi tắt là Đề án 553).
Tiếp theo cuộc họp khởi động sẽ là các buổi tập huấn cho đại biểu, giảng viên của 28 tỉnh ven biển về Quản lý rủi ro thiên tai DVCĐ trong chiều 6/7 và ngày 7/7. Một số nội dung chính của khoá tập huấn gồm: Biến đổi khí hậu và áp dụng Gói rủi ro trong các khóa tập huấn QLRRTT-DVCĐ ở các tỉnh ven biển, Phần mềm thu thập dữ liệu Đánh giá RRTT-DVCĐ và hỗ trợ quá trình ra/lập báo cáo, Kinh nghiệm và bài học kinh nghiệm từ các hoạt động tập huấn QLRRTT-DVCĐ năm 2020, Lồng ghép thông tin rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu vào Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (SEDP), Giới và lồng ghép giới trong dự án GCF,…
Trung tâm Phát triển Cộng đồng Sinh thái (ECODE) – đơn vị tư vấn về Biến đổi khí hậu tham gia dự án GCF sẽ tập huấn các nội dung về 1) Biến đổi khí hậu và áp dụng Gói rủi ro trong tập huấn QLRRTTDVCĐ, và 2) Lồng ghép thông tin rủi ro thiên tai và BĐKH vào Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.