Theo đó, trong giai đoạn 2017 – 2020, TP sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách về BVMT làng nghề để triển khai đồng bộ, hiệu quả; triển khai thành công các dự án cấp bách trong việc đầu tư – xây dựng – vận hành các mô hình thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn và chất thải lỏng, khí thải tại các làng nghề.
Hà Nội cũng đẩy nhanh xây dựng cơ chế ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư trong việc huy động nguồn vốn xã hội hóa trong công tác BVMT làng nghề. TP cũng giao cơ quan chức năng thiết kế mạng lưới quan trắc và đầu tư xây dựng, vận hành hiệu quả hệ thống quan trắc tự động phục vụ kiểm soát ô nhiễm tại 80 làng nghề trên địa bàn Hà Nội. Triển khai đầu tư xây dựng và vận hành các mô hình thí điểm xử lý ô nhiễm theo công nghệ tiên tiến và phù hợp với các nhóm làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo các loại hình sản xuất khác nhau được đầu tư theo mô hình dự án cấp bách được thành phố hỗ trợ 100% kinh phí.
Định hướng từ 2020 đến 2030, TP tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về BVMT làng nghề để triển khai đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Nghiên cứu, hỗ trợ về cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp và tổ chức để phân loại, tái chế chất thải; thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. Tiếp tục xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống quan trắc và tích hợp cơ sở dữ liệu liên ngành, trực tuyến, phục vụ công tác quản lý BVMT đối với các làng nghề trên địa bàn. Bảo đảm 100% các làng nghề của Hà Nội được công nhận đáp ứng đầy đủ các điều kiện về BVMT…