Báo cáo về tình hình thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX ở Việt Nam, giai đoạn 2012 – 2016, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Phạm Hoàng Mai cho biết, sau khi xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về TTX gồm 12 nhóm hoạt động với 66 nhiệm vụ cụ thể đến nay đã có 6 bộ gồm: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ TN – MT, Bộ NN – PTNT, Bộ GT – VT, Bộ Xây dựng đã xây dựng kế hoạch hành động (KHHĐ) về TTX; các bộ, ngành khác đang trong quá trình hoàn thiện. Đã có 15 tỉnh, thành phố thông qua KHHĐ TTX, 20 tỉnh, thành phố khác đang trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện. Điều đáng ghi nhận là cộng đồng doanh nghiệp tích cực tham gia và thực hiện KHHĐ về TTX dưới sự điều phối của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với các phương pháp tiếp cận thực hiện đa dạng. Một số dự án theo KHHĐ đã được thực hiện tại các tỉnh, bộ, ngành. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện chiến lược TTX đã xuất hiện một số điển hình tốt để giới thiệu, nhân rộng như mô hình điện gió, tòa nhà hiệu quả năng lượng, nông nghiệp thông minh thích ứng khí hậu…
Ông Phạm Hoàng Mai nêu rõ, Chiến lược quốc gia về TTX đã góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chiến lược sẽ tiếp tục đóng góp cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), giảm thải khí nhà kính (KNK) và giảm nghèo, bảo đảm phát triển kinh tế bền vững. Nhiệm vụ đầu tiên của chiến lược TTX là tăng trưởng cacbon thấp, đến năm 2020 tự nguyện giảm 8 – 10% cường độ phát thải KNK so với năm 2010 và 25% cường độ phát thải khi có sự hỗ trợ từ quốc tế; giảm 1 – 1,5% mức tiêu thụ năng lượng trên đơn vị GDP mỗi năm. Nhiệm vụ tiếp theo là xanh hóa sản xuất với mục tiêu khuyến khích việc phát triển các ngành công nghiệp và nông nghiệp xanh dựa trên cấu trúc, công nghệ và thiết bị thân thiện môi trường. Cuối cùng là xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm
Theo Phó Giám đốc Sở KH và ĐT tỉnh Quảng Ninh Hoàng Danh Sơn, Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong việc ý thức phát triển TTX khi lồng ghép quan điểm TTX vào việc lập và ban hành 7 quy hoạch chiến lược tổng thể quan trọng giai đoạn 2013 – 2030. Ngay từ tháng 11.2015 tỉnh đã ban hành KHHĐ về TTX. Cũng trong thời gian này Quảng Ninh thành lập và duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo TTX, triển khai thực hiện hàng năm. Hiện tỉnh đang tích cực nâng cao nâng cao năng lực bộ máy quản lý, điều hành và huy động nguồn lực đầu tư cho các chương trình, dự án ưu tiên như quản lý môi trường bền vững vịnh Hạ Long, phát triển năng lượng tái tạo, hỗ trợ phát triển năng lực TTX… Quảng Ninh hiện đang là tỉnh dẫn đầu toàn quốc về chương trình cải cách hành chính khi tinh giản được 95% thủ tục hành chính, thành lập được trung tâm quản trị hành chính công tại tất cả các cấp cơ sở. Tuy nhiên, Quảng Ninh cũng đang gặp phải những vấn đề về hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh chưa hoàn thiện, nhu cầu vốn cho thực hiện dự án lớn, khó khăn trong tiếp cận khoa học công nghệ hiện đại và trình độ, kỹ năng cán bộ quản lý, người lao động còn yếu… Vì vậy, sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm của các bộ, ngành, tỉnh, thành bạn là cần thiết, đặc biệt là sự hợp tác sâu rộng của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Đầu tháng 12.2015, ngành công thương phê duyệt KHHĐ về TTX giai đoạn 2015 -2020 tiến hành rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch năng lượng quốc gia định hướng TTX, nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng, xây dựng và thực hiện chính sách ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo… Việc thực hiện TTX đã đạt được những kết quả khả quan trong chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, dán nhãn năng lượng… Đáng chú ý, việc truyền thông, giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã giúp trên 85% người dân Việt Nam biết, hiểu về vấn đề tiết kiệm năng lượng thông qua truyền thông. Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và tiết kiệm năng lượng (Bộ Công thương) Trịnh Quốc Vũ thì nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về TTX còn hạn chế nên cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng hơn nữa. Ngoài ra, cần tăng cường nguồn lực để thực hiện hiệu quả việc giám sát thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Giám đốc UNDP tại Việt Nam Louise Chamberlain cho rằng, TTX được công nhận là một phần không thể thiếu trong phát triển bền vững. Vì vậy, việc tuyên truyền, vận động lối sống thân thiện với môi trường và đưa ra các biện pháp khuyến khích thay đổi hành vi của người tiêu dùng, đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các chủ thể nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.