Skip to content
1-3a175_1

Những tai họa mà con người phải hứng chịu do BĐKH

EINFO – Nhân loại đang ngày càng phải đối mặt với nhiều hiểm nguy hơn từ hệ quả của việc biến đổi khí hậu toàn cầu.

EINFO – Nhân loại đang ngày càng phải đối mặt với nhiều hiểm nguy hơn từ hệ quả của việc biến đổi khí hậu toàn cầu.

Các báo cáo gần đây của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đã chỉ ra những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng tồi tệ hơn.
 
Khí thải nhà kính làm Trái đất ấm dần lên hiện đã vượt quá nồng độ cao nhất được ghi nhận trong các lõi băng trong vòng 800.000 năm qua. Bên cạnh đó, mức độ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển đã tăng 40% kể từ thời tiền công nghiệp hóa, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc đốt các nguyên liệu hóa thạch.
 
Theo các chuyên gia, tình trạng biến đổi khí hậu tiếp tục diễn ra với tốc độ nhanh chóng như thế này sẽ mang đến những ảnh hưởng khốc liệt cho thế giới. 
 
Dưới đây là một vài tác động mà các nhà khoa học dự đoán sẽ xảy đến trong tương lai.
 
1. Biến đổi khí hậu phá hoại nền kinh tế toàn cầu
 

 
Biến đổi khí hậu sẽ phá hủy tài sản, gây ra hạn hán, sự tuyệt chủng và hàng ngàn những điều tệ hại khác xảy ra. Điều này sẽ khiến chi phí tiêu dùng cho nền kinh tế toàn cầu tăng lên. Đến năm 2030, con số này được dự đoán là 700 tỷ USD (khoảng hơn 14 triệu tỷ VND).
 

2. Hàng trăm triệu người dân phải di dời vào năm 2050

 
Biến đổi khí hậu sẽ trở thành nguyên nhân lớn nhất khiến người dân phải di dời. Vào năm 2008, ít nhất 20 triệu người đã phải di dời do thiên tai như hạn hán, nước biển dâng – một trong những hệ quả của việc biến đổi khí hậu.
 
Một nghiên cứu vào năm 2014 dự đoán rằng, băng tan khiến cho mực nước biển dâng, đồng thời gây ra sự gia tăng nhiệt độ (khoảng 3 độ C). Điều này sẽ buộc hơn 600 triệu người sống ven biển phải tìm chỗ ở mới.
 

3. Sốt xuất huyết và sốt rét gia tăng đột biến
 

 

Biến đổi khí hậu khiến cho thời tiết thay đổi bất thường, tạo điều kiện cho nhiều loài sinh vật phát triển. Theo đó, muỗi mang bệnh sốt xuất huyết hoạt động mạnh hơn, trong một khu vực rộng lớn hơn.
 
Điều này cũng sẽ xảy ra trên quy mô toàn cầu: tăng nhiệt, lượng mưa, độ ẩm… có thể cho phép côn trùng nhiệt đới và cận nhiệt đới di chuyển từ các vùng có dịch bệnh truyền nhễm tới những nơi khác.
 

4. Cháy rừng có thể tăng hơn 8 lần vào năm 2100
 

 

Theo báo cáo của viện nghiên cứu Mỹ, nhiệt độ tăng lên một độ C, đồng nghĩa với việc diện tích cháy rừng phía Tây sẽ tăng theo hệ số 2 – 4. Cháy lớn sẽ xảy ra nhiều hơn ở vùng phía Bắc Great Plain (Mỹ), dãy núi Rocky…; thời gian cháy rừng có thể kéo dài tới vài tháng.
 

5. Thế giới lâm vào tình trạng khan hiếm nước
 

 

Trong năm 2013, có khoảng 1,3 tỷ người sống ở các vùng khan hiếm nước. Theo tính toán, nếu nhiệt độ tăng khoảng 2 độ C vào năm 2100 thì sẽ có thêm 8% dân số trên thế giới lâm vào tình trạng khan hiếm nước. Trong khi có một vài nơi trên thế giới lâm vào cảnh khô hạn thì một vài vùng khác lại có nguy cơ “chìm trong biển nước”.
 

6. Những cơn bão có cường độ cao hơn 11% vào năm 2100
 

 

Ban đánh giá khí hậu quốc gia Mỹ cho biết, số lượng các cơn bão loại 4 và 5 (những loại mạnh nhất) ngày càng gia tăng từ năm 1980. Và theo dự đoán của các chuyên gia, xu hướng này sẽ còn tiếp tục gia tăng theo chiều hướng khó kiểm soát. 
 

7. Tại các thành phố ven biển, hàng triệu người và hàng nghìn tỷ tài sản đang trong vòng nguy hiểm

 

Các chuyên gia ước tính rằng, hàng chục triệu người dân ở thành phố ven biển… sẽ lâm vào cảnh mất nhà cửa và buộc phải di cư khi mực nước biển dự đoán sẽ tăng 0,5m vào năm 2070.
 

8. 136 địa danh lịch sử trên thế giới bị đe dọa
 

 

Nếu nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1 độ C, hơn 40 trong số 700 di sản thế giới sẽ chìm trong biển nước trong vòng 2000 năm tới. Nếu nhiệt độ tăng 3 độ C, con số đó sẽ tăng lên là 136 di sản. Các thành phố lớn như Venice, Istanbul, và St Petersburg cũng sẽ bị ảnh hưởng.
 

9. Sản lượng lúa mì và ngô bắt đầu suy giảm
 

 

Trong khi nhiệt độ ấm lên ban đầu có thể giúp phát triển một số cây trồng nhất định, nhưng bức tranh tổng thể vẫn là tiêu cực. Năng suất cây trồng toàn cầu đang chậm lại chính là kết quả của những sự kiện liên quan đến biến đổi khí hậu như lượng mưa giảm và nhiệt độ tăng cao.
 
Ở một số vùng, lúa mì và ngô đã có những sự ảnh hưởng nhất định. Giá lương thực và ngũ cốc tăng lên nhanh chóng sau các sự kiện thời tiết cực đoan. Các báo cáo mới dự đoán, sản lượng ngô và lúa mì toàn cầu tiếp tục giảm, có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm lương thực và bất ổn chính trị.
 

10. Một số đảo nhỏ có thể bị phá hủy
 

 
Theo báo cáo của IPCC, những hòn đảo thấp nằm trong vùng nhiệt đới rất dễ bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng. Nước biển dâng dẫn đến lũ lụt, triều cường mạnh mẽ hơn, sự xói mòn cũng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nông nghiệp, thủy sản và du lịch.
 

11. 100% các rạn san hô có nguy cơ tuyệt chủng 
 

 

Theo nghiên cứu của Viện tài nguyên thế giới, biến đổi khí hậu đe dọa sự tồn tại của các rạn san hô và nếu mối đe dọa này vẫn tiếp tục thì tất cả các rạn san hô có thể có nguy cơ biến mất vào năm 2050.
 
Sự tăng axit trong nước biển tạo ra bởi nồng độ cacbon dioxit cao sẽ khiến các ion carbonate ngày một ít hơn. Đây chính là một thành phần quan trọng để xây dựng nên bộ xương của san hô.
 

12. 63% vùng sản xuất rượu vang chủ yếu trên thế giới có thể bị hủy hoại vào năm 2050
 

 

Vì nhiệt độ tăng cao, nhiều khu vực sản xuất rượu vang sẽ không còn thích hợp để trồng nho. Chủ vườn có thể di chuyển vườn nho đến nơi cao hơn nhưng đó cũng là một hành động phá hủy hệ sinh thái. Vì khi thiết lập một vườn nho đủ tiêu chuẩn đòi hỏi phải loại bỏ thảm thực vật nơi đó, cày sâu, khử trùng đất….
 

13. Một số loài bò sát biến từ đực thành cái
 

 

Nhiều loài bò sát dựa vào nhiệt độ môi trường xung quanh để điều chỉnh quá trình sinh lý nên chúng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự thay đổi nhiệt độ toàn cầu. Điều này có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của loài.
 
Như ở rùa, nhiệt độ của tổ quyết định giới tính của các con non. Không gian tổ mát sẽ cho ra con đực, nếu tổ ấm hơn sẽ cho ra con cái. Bên cạnh đó, sự thay đổi trong tỷ lệ giới tính cũng có thể ảnh hưởng tiềm năng sinh sản cũng như tập tính tiến hóa của các loài.
 

14. Một số quốc gia mất đi nguồn nước dự trữ chính cho mùa khô
 

 

Theo IPCC, hơn một tỷ người trên thế giới sống dựa vào nguồn nước ngọt tan ra từ các sông băng và tuyết. Khi khí hậu cân bằng, các sông băng hoạt động như một nguồn nước ngọt giá trị và ổn định cho nhiều khu vực bao gồm các dãy núi Andes, Bolivia, Ecuador, Peru, và các bộ phận của Ấn Độ, Trung Quốc. Khi các sông băng co lại, lượng nước ngọt cung cấp trở nên suy giảm.
 
Ở một vài thập kỷ tới, tổng sản lượng nước từ sông băng sẽ tan chảy nhanh chóng, sau đó sẽ giảm mạnh. Điều này có thể dẫn tới những trận lũ lụt ở tương lai gần và gây ra tình trạng khan hiếm nước dài hạn.
 

15. Ô nhiễm không khí gây ra vấn đề về sức khỏe
 

 

Số ngày nóng kéo dài và mức nhiệt ngày một tăng được dự đoán là kết quả của biến đổi khí hậu. Vấn đề này sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy khác như làm tăng số lượng và mức độ nghiêm trọng của cháy rừng, làm trầm trọng thêm các hiệu ứng đảo nhiệt ở đô thị và vấn đề sức khỏe khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm bị đẩy lên cao.
 
Ô nhiễm không khí có liên quan đến một danh sách dài các bệnh về sức khỏe, bao gồm cả bệnh hen suyễn, tim và tổn thương phổi, bệnh đường hô hấp và tim mạch…
 
 

16. Vùng xích đạo và một vài vùng tại Nam Cực giảm 50% sản lượng trong ngành thủy sản 
 

 

Báo cáo của IPCC cho biết, nền nhiệt dự kiến tăng khoảng 2,8 độ C sẽ khiến sản lượng đánh bắt tại một số vùng nhất định ở Nam Cực sẽ giảm 50% vào năm 2060. Những phân tích này không bao gồm những ảnh hưởng từ việc axit hóa đại dương hay đánh bắt quá mức.
 

17. Một số loài động vật đang “thu nhỏ lại”
 

 

Các nhà khoa học đã bắt đầu thấy lịch sử đang lặp lại khi các nghiên cứu chỉ ra, nhiều loài động vật bao gồm cả gấu Bắc Cực và một số loài bò sát đã bắt đầu bị thu nhỏ lại do mức độ carbon dioxide tăng.
 

18. Thêm 20 triệu trẻ em sẽ bị đói vào năm 2050
 

 

Một báo cáo của Chương trình Lương thực Thế giới dự đoán rằng, các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, cháy rừng và bão nhiệt đới sẽ gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp, đe dọa an ninh lương thực cho hàng triệu người.
 
Tác động của khí hậu lên năng suất cây trồng sẽ làm gia tăng số lượng trẻ em bị suy dinh dưỡng: khoảng 11 triệu trẻ em ở châu Á, 10 triệu bé ở châu Phi và 1,4 triệu em nhỏ ở châu Mỹ Latinh.
 
Đến năm 2050, sản lượng cây trồng ở châu Á dự kiến sẽ giảm 50% đối với lúa mì, 17% đối với gạo và điều này sẽ đe dọa hàng tỷ người sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp.
 
Quãng Đạt – EINFO

Nguồn tin: http://biendoikhihau.gov.vn/

Bài viết cùng chuyên mục

Xây dựng Khung hướng dẫn quản lý chung cho các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam
EINFO - Nhân loại đang ngày càng phải đối mặt với nhiều hiểm nguy hơn từ hệ quả của việc biến đổi khí hậu toàn cầu.
“Thế giới cần đến khoa học, khoa học cần đến phụ nữ” – UNESCO (2015)
EINFO - Nhân loại đang ngày càng phải đối mặt với nhiều hiểm nguy hơn từ hệ quả của việc biến đổi khí hậu toàn cầu.
ĐÔ THỊ VEN BIỂN TRƯỚC TÁC ĐỘNG CỦA THIÊN TAI, BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
EINFO - Nhân loại đang ngày càng phải đối mặt với nhiều hiểm nguy hơn từ hệ quả của việc biến đổi khí hậu toàn cầu.
Nhựa nano – Có phải là một vấn đề đang bị đánh giá thấp?
EINFO - Nhân loại đang ngày càng phải đối mặt với nhiều hiểm nguy hơn từ hệ quả của việc biến đổi khí hậu toàn cầu.
24 chính sách khẩn cấp để bảo vệ các hệ sinh thái
EINFO - Nhân loại đang ngày càng phải đối mặt với nhiều hiểm nguy hơn từ hệ quả của việc biến đổi khí hậu toàn cầu.
Đại dương cũng thải ra khí nhà kính
EINFO - Nhân loại đang ngày càng phải đối mặt với nhiều hiểm nguy hơn từ hệ quả của việc biến đổi khí hậu toàn cầu.

© 2022 TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN CỘNG ĐỒNG SINH THÁI