Trước đây, có không ít các nhà khoa học trên thế giới đã đưa ra ý tưởng chặn ánh sáng Mặt trời để làm giảm hiệu ứng nhà kính, tuy nhiên với các nhà khoa học tại Đại học Harvard (Mỹ) thì đây sẽ là bước đi tiên phong trong thử nghiệm lĩnh vực này để giảm những yếu tố gây hại đối với môi trường và khí hậu.
Ý tưởng ban đầu về thử nghiệm chặn ánh sáng Mặt trời này bắt nguồn từ một nghiên cứu sự ảnh hưởng từ các vụ phun trào núi lửa lớn tới nhiệt độ của hành tinh chúng ta. Cụ thể, năm 1991, núi lửa ở Pinatubo (Philippines) đã phun trào và giải phóng khoảng 20 triệu tấn lưu huỳnh dioxide vào tầng bình lưu. Các hạt hóa chất này đã tạo ra một tấm chắn xung quanh tầng bình lưu và làm giảm nhiệt độ toàn hành tinh xuống 0,5 độ C trong khoảng 1 năm rưỡi.
Kể từ năm 2015, Hiệp định Khí hậu toàn cầu Paris được ký kết thì các quốc gia thành viên đã có trách nhiệm rõ ràng hơn trong việc thực hiện giảm khối lượng khí thải CO2 vào bầu khí quyển. Những giải pháp được đưa ra nhằm hạn chế thải khí nhà kính, trong đó có quản lý chặt hoạt động sản xuất công nghiệp, dự án trồng rừng, hay chế tạo ra những cỗ máy hút CO2 từ khí quyển. Tuy nhiên, dự án thử nghiệm chặn ánh sáng Mặt trời của các nhà khoa học Mỹ hiện vẫn đang còn rất nhiều tranh cãi liên quan đến mối tương tác giữa Mặt trời và Trái đất trong hàng tỷ năm qua.
Cụ thể, đằng sau “tấm màn che” Trái đất này vẫn còn nhiều câu hỏi đang bỏ ngỏ đối với ảnh hưởng thời tiết, mây, mưa, tầng ozon hay năng suất cây trồng. Khi so sánh giải pháp này với việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch hoặc hút khí CO2, thì đây có thể coi là giải pháp có nhiều tiềm năng hơn.
Và một báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu toàn cầu (IPCC) gần đây công bố cho thấy, giải pháp ngăn chặn ánh sáng Mặt trời bằng các hạt hóa chất có thể giúp duy trì nhiệt độ trung bình toàn cầu không quá 1,5 độ C, tuy nhiên chi phí lại quá lớn khoảng từ 1-10 tỷ USD/năm. Nhưng dẫu sao, chúng ta vẫn cần có định hướng chính xác cho vấn đề này về tính cân bằng giữa tính hiệu quả và hệ thống khí hậu của hành tinh xanh chúng ta.
Tác giả bài viết: Trần Biên (ANTD)