Thông tư số 10/2021/TT-BKHĐT về hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế – xã hội được ban hành vào ngày 22/12/2021 bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Quá trình xây dựng Thông tư 10/2021/TT-BKHĐT được hỗ trợ bởi dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của BĐKH cho các cộng đồng dễ bị tổn thương vùng ven biển Việt Nam” (dự án GCF-UNDP) với sự tham gia của đơn vị tư vấn là Trung tâm Phát triển Cộng đồng Sinh thái (ECODE). Đây là dự án được tài trợ bởi quỹ Khí hậu Xanh (GCF) thông qua Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP).
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Thông tư này là sau khi được ban hành sẽ có kèm theo bài giảng trực tuyến và tài liệu hướng dẫn để hỗ trợ các địa phương xây dựng kế hoạch có lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai một cách hiệu quả và nhanh chóng đưa vào thực hiện. Với vai trò là đơn vị tư vấn, Trung tâm ECODE đã tham gia vào quá trình thiết kế, xây dựng bài giảng online và tài liệu hướng dẫn lồng ghép cùng với các cán bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo đó, tháng 06/2022, nhóm các cán bộ thuộc Vụ Kinh tế Nông nghiệp (Bộ KH&ĐT) cùng các chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm ECODE đã có chuyến đi thực nghiệm, khảo sát tại tỉnh Nam Định cùng cán bộ phụ trách dự án GCF-UNDP và tổ công tác chuyên môn tại tỉnh. Mục đích của chuyến đi thực nghiệm là để tham vấn ý kiến lãnh đạo, cán bộ của các Tổ công tác lập kế hoạch tỉnh Nam Định (Sở KH&ĐT), huyện Nghĩa Hưng và xã Nam Điền về tài liệu hướng dẫn lồng ghép theo hướng dẫn của Thông tư số 10/2021/TT-BKHĐT, bài giảng trực tuyến và tiêu chí giám sát – đánh giá thực hiện lồng ghép.
Đoàn công tác khảo sát thực nghiệm tại bờ biển xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định
Bên cạnh tham vấn cán bộ địa phương, đoàn công tác còn thực hiện khảo sát và chụp ảnh, ghi hình một số địa điểm như rừng ngập mặn, khu vực dễ bị tổn thương bởi thiên tai và biến đổi khí hậu tại huyện Nghĩa Hưng để làm tư liệu thực tế cung cấp cho bài giảng trực tuyến. Được biết, huyện Nghĩa Hưng thuộc vùng ven biển của tỉnh Nam Định, nằm trong vùng bờ biển thuộc vùng Nam đồng bằng sông Hồng, có chiều dài bờ biển là 12km, phía Tây giới hạn bởi sông Đáy, ranh giới phía Đông là sông Ninh Cơ. Trong những năm gần đây, huyện Nghĩa Hưng là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do những hiện tượng thời tiết cực đoan từ tác động của BĐKH.
Bên cạnh tham vấn cán bộ địa phương, đoàn công tác còn thực hiện khảo sát và chụp ảnh, ghi hình một số địa điểm như rừng ngập mặn, khu vực dễ bị tổn thương bởi thiên tai và biến đổi khí hậu tại huyện Nghĩa Hưng để làm tư liệu thực tế cung cấp cho bài giảng trực tuyến. Được biết, huyện Nghĩa Hưng thuộc vùng ven biển của tỉnh Nam Định, nằm trong vùng bờ biển thuộc vùng Nam đồng bằng sông Hồng, có chiều dài bờ biển là 12km, phía Tây giới hạn bởi sông Đáy, ranh giới phía Đông là sông Ninh Cơ. Trong những năm gần đây, huyện Nghĩa Hưng là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do những hiện tượng thời tiết cực đoan từ tác động của BĐKH.
Hình ảnh cây phi lao ven biển bị sóng đánh bật gốc mà đoàn công tác thu thập được tại tỉnh Nam Định.
Những cây sú vẹt được trồng từ năm 2019 bị sóng đánh trơ gốc do tác động của nước biển dâng.
Kết quả của hoạt động tham vấn ý kiến địa phương sẽ trở thành cơ sở để nhóm nghiên cứu hoàn thiện bài giảng trực tuyến và tài liệu hướng dẫn về lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai theo Thông tư 10 một cách khách quan, khoa học và đem lại hiệu quả cao khi ứng dụng tại các địa phương. Đây là hoạt động cho thấy nỗ lực của các chuyên gia đầu ngành trong việc thúc đẩy xây dựng và thực hiện các kế hoạch phát triển ngành, kinh tế – xã hội có lồng ghép biến đổi khí hậu nhằm giảm thiệt hại do thiên tai, tăng cường sức chống chịu và phát triển bền vững tại địa phương.
Tác giả bài viết: Quỳnh Bùi